JMB - sự tái xuất đáng lo ngại

Thứ Ba, 02/08/2016, 14:47
Ông Asaduzzaman Khan khẳng định, IS không đứng sau vụ khủng bố tại quán cà phê Holey Artisan Bakery, mà là thành viên của tổ chức hiếu chiến tại nước này Jumatul Mujahedeen Bangladesh, gọi tắt là JMB, đã bị cấm hoạt động ở Bangladesh hơn 10 năm qua; và JMB không có liên quan với IS.

Vì có chung đường biên giới dài tới 4.096 km với Bangladesh tại 5 bang (Tây Bengal, Tripura, Meghalaya, Assama và Mizoram) nên Ấn Độ đã quyết định thắt chặt an ninh dọc biên giới sau vụ khủng bố xảy ra tại thủ đô Dhaka của Bangladesh khiến 20 con tin bị sát hại tối 1-7 vừa qua. 

Theo đó, lực lượng an ninh, cảnh sát địa phương và cơ quan tình báo được đặt trong tình trạng cảnh báo an ninh cao tại 5 bang biên giới kể trên. Động thái của Ấn Độ xuất phát từ tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh, khi ông Asaduzzaman Khan khẳng định, IS không đứng sau vụ khủng bố tại quán cà phê Holey Artisan Bakery, mà là thành viên của tổ chức hiếu chiến tại nước này Jumatul Mujahedeen Bangladesh, gọi tắt là JMB, đã bị cấm hoạt động ở Bangladesh hơn 10 năm qua; và JMB không có liên quan với IS.

Sự trỗi dậy của JMB

Giới chuyên môn rất quan tâm tới tuyên bố của ông Asaduzzaman Khan bởi tờ International Business Times từng dẫn lời chuyên gia Ajay Sahini thuộc Viện Nghiên cứu xử lý xung đột ở New Delhi, Ấn Độ, chuyên theo dõi các nhóm chiến binh ở Nam Á, cho biết JMB tuy là mối đe dọa đáng kể trong giai đoạn 2005-2008, nhưng vai trò của tổ chức này đã suy giảm nhiều bởi những nguyên nhân khác nhau. 

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tham dự buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân tại Dhaka. 

Do đó, vụ khủng bố tại quán cà phê Holey Artisan Bakery được coi là sự trỗi dậy, và là cảnh báo đáng quan tâm. Bởi gần 2 năm trước (hạ tuần tháng 10-2014), Cơ quan chống khủng bố của Ấn Độ từng phát hiện âm mưu ám sát Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina do các tay súng JMB tiến hành. 

Và việc này được phát hiện sau khi 2 thành viên của JMB thiệt mạng trong một vụ nổ khi chúng đang chế tạo bom tại một ngôi nhà ở bang Tây Bengal, thuộc miền đông Ấn Độ, gần biên giới với Bangladesh. 

Ngày 27-10-2014, Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã tới ngôi nhà, nơi xảy ra vụ nổ và gặp Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee để thảo luận tình hình hữu quan. Sau đó, giới chức Ấn Độ đã chuyển cho Bangladesh hồ sơ chi tiết về âm mưu của tổ chức JMB.

Theo Cơ quan điều tra Ấn Độ (NIA), họ đã bắt ít nhất 6 người liên quan tới âm mưu đảo chính. Cảnh sát đã phát hiện hơn 50 quả bom tự tạo, và bắt 2 phụ nữ đang cố gắng tiêu hủy số tài liệu chế tạo bom sau khi xảy ra vụ nổ kể trên. Ngày 9-11-2014, cảnh sát Ấn Độ lại bắt một phụ nữ 36 tuổi với cáo buộc có liên quan với JMB, vì muốn ám sát Thủ tướng Sheikh Hasina. 

Tối 5-12-2014, cảnh sát Ấn Độ còn bắt kẻ đứng sau vụ tấn công ở Tây Bengal và là kẻ đã lên kế hoạch ám sát Thủ tướng Sheikh Hasina. Giới chức an ninh Ấn Độ còn cho biết, ngoài Thủ tướng Sheikh Hasinia, JMB còn muốn ám sát cựu Thủ tướng Khaleda Zia, thủ lĩnh đối lập chính ở Bangladesh. 

Theo cảnh sát Ấn Độ, các tay súng JMB đã sử dụng nước này làm nơi trú ẩn để lên kế hoạch cho các vụ tấn công khủng bố ở Bangladesh.

Hơn 10 năm trước (tháng 3-2006), sau khi tự nộp mình cho cơ quan chức năng, Abdur Rahman, thủ lĩnh nhóm phiến quân Hồi giáo JMB cùng 2 cộng sự đã bị cảnh sát thẩm vấn. Khi đó, bà Khaleda Zia làm Thủ tướng đã coi đây là "cú đấm đối với tổ chức cực đoan này". 

Trước đó (thượng tuần tháng 3-2006), Abdur Rahman và Siddiqul Islam (biệt danh Bangla Bhai) từng bị kết án vắng mặt 40 năm tù vì tội đánh bom giết chết 2 thẩm phán hồi tháng 11-2005. 

Theo giới truyền thông, sau một loạt vụ đánh bom khiến hàng trăm người chết, đảng Hồi giáo cực đoan JMB đã bị cấm hoạt động hồi tháng 2-2005. Và từ đó đến nay, hàng trăm thành viên của JMB đã bị bắt. 

Theo hồ sơ của cảnh sát Bangladesh, JMB được thành lập năm 1998 với mục tiêu thay thế chính phủ Bangladesh bằng một nhà nước Hồi giáo dựa trên luật Sharia hà khắc. 

Tháng 8-2005, JMB đã kích nổ 500 quả bom trong cùng một ngày trên khắp đất nước Bangladesh, bao gồm thủ đô Dhaka. Sau đó nhiều vụ đánh bom đã diễn ra nhằm vào các toà án và thẩm phán. Ước tính, có hơn 100 vụ khủng bố do thành viên JMB gây ra nhằm buộc chính phủ phải thực thi luật Sharia.

Những sự thật gây sốc

Bộ trưởng Nội vụ Asaduzzaman Khan đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi các tay súng thực hiện vụ khủng bố tại quán cà phê Holey Artisan Bakery đều sinh ra trong gia đình giàu có và hưởng sự giáo dục đầy đủ. 

Khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ, Bộ trưởng Thông tin Bangladesh Hasanul Haq Inu cho biết, cảnh sát đã xác định được hầu hết các tay súng từng học ở các trường có danh tiếng và xuất thân từ những gia đình khá giả. 

Lực lượng an ninh Bangladesh tham gia giải cứu các con tin.

Tờ The Daily Star của Bangladesh đăng ảnh cùng danh tính của 5/6 kẻ tấn công đã chết và cho biết, thân nhân của chúng mất liên lạc với con em mình từ nhiều tháng trước. 5 tay súng bị cảnh sát tiêu diệt gồm Nibras Islam, Rohan Imtiaz, Meer Saameh Mubasheer, Andaleeb Ahmed và Raiyan Minhaj.

Rohan Imtiaz là con trai của chính trị gia Imtiaz Khan đến từ đảng Awami League của Thủ tướng Sheikh Hasina. Cha mẹ Rohan Imtiaz cho biết, con trai bị "mất tích" từ tháng 12-2015. Cha của nghi can Meer Saameh Mubasheer - biến mất hồi tháng 2 khi đang theo học trường Anh ngữ Scholastica danh tiếng, cho rằng con trai ông đã bị "tẩy não". Tay súng Meer Saameh Mubasheer được bạn bè mô tả là người nhút nhát. 

Cảnh sát tin rằng, Nibras Islam là kẻ cầm đầu nhóm khủng bố kể trên và điểm chung của những tay súng kể trên là mất tích một cách bí ẩn trước khi gây án vài tháng. Cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin kéo dài nhiều giờ tại quán cà phê Holey Artisan Bakery ở khu ngoại giao Gulshan đã chấm dứt vào sáng 2-7, khi lực lượng an ninh và cảnh sát tiêu diệt 6 tay súng và giải cứu 13 con tin. 

Theo tiết lộ của Cảnh sát trưởng Bangladesh, ông Shahidul Haque cho biết, có 2 người đàn ông bị thẩm vấn, trong đó có một người bị tình nghi là phần tử chủ chiến.

Duyên nợ khó trả

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã dự lễ tưởng niệm những người thiệt mạng trong vụ tấn công tối 1-7. Đồng thời cho rằng, vụ bắt cóc con tin tối 1-7 là hành động vô cùng tàn ác, do đó Chính phủ sẽ quyết tâm loại bỏ khủng bố cũng như tình trạng nổi dậy ở Bangladesh. 

Ngoài ra, bà Sheikh Hasina còn quy trách nhiệm về hàng loạt vụ tấn công gần đây cho các đối thủ chính trị - hậu thuẫn cho các nhóm hiếu chiến nhằm gây bất ổn tình hình trong nước. 

Bà Sheikh Hasina, thủ lĩnh đảng Awami League còn tuyên bố, sẽ làm rõ kẻ đã cung cấp vũ khí và chất nổ cho những sát thủ tấn công tại quán cà phê Holey Artisan Bakery ở thủ đô Dhaka. 

Ngoài ra, bà Sheikh Hasina còn cho rằng, những kẻ tấn công đang muốn làm cho giới trẻ lầm lạc dưới danh nghĩa tôn giáo - họ đã viện vào khủng bố sau khi không giành được trái tim của người dân một cách dân chủ.

Lịch sử từng chứng minh, khi đảng Dân tộc Bangladesh của cựu Thủ tướng Khaleda Zia lên nắm quyền thì đảng Awami League của bà Sheikh Hasina lập tức trở thành lực lượng đối lập và các cuộc biểu tình, phản đối liên tiếp diễn ra, và ngược lại. Khi bà Khaleda Zia nắm quyền, bà Sheikh Hasina bị cáo buộc với nhiều tội danh. 

Giới truyền thông từng đưa tin, bà Sheikh Hasina đã quyết định hoãn chuyến về nước ngay sau khi nhận được cáo buộc của cảnh sát về việc có liên quan tới vụ sát hại 4 người trong những cuộc xung đột chính trị diễn ra tại Dhaka hồi tháng 10-2006. Năm 2005, cảnh sát Bangladesh từng ra lệnh bắt tên Muftu Abdul Hannan, kẻ âm mưu ám sát bà Sheikh Hasina từ năm 2000, nhưng bất thành. 

Sau khi bà Sheikh Hasina lên nắm quyền, bà Khaleda Zia bị bắt với cáo buộc tham nhũng, tống tiền và trốn thuế. Cùng bị bắt với bà Khaleda Zia còn có con trai út Arafat Rahman Coco. Ủy ban chống tham nhũng từng hoàn tất hồ sơ đối với vợ chồng con trai trưởng của bà Khaleda Zia - bị cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ khoảng 711.530 USD trong thời gian mẹ nắm quyền.

Trịnh Huyền My
.
.
.