Hé lộ thêm nghi vấn mới xung quanh vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy

Thứ Bảy, 28/10/2017, 15:58
Sau khi hàng triệu trang của 2.800 tài liệu về vụ sát hại cố Tổng thống Kennedy được chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố, giới quát sát ngay lập tức phát hiện thêm nhiều nghi vấn mới xung quanh vụ ám sát bí ẩn nhất thế kỷ 20.

Năm 1992, 29 năm sau vụ ám sát của cố Tổng thống J.F. Kennedy, Chính phủ Mỹ thông qua đạo luật cho phép công bố tài liệu về sự kiện này, trong số đó có hơn 3.000 bộ hồ sơ tối mật được lưu giữ thêm 25 năm, tức đến ngày 26-10-2017 (giờ Mỹ).

Tuy nhiên, đến giờ G, hàng trăm hồ sơ chứa đựng những chi tiết được cho là đắt giá nhất đã bất ngờ bị hoãn công bố.

Reuters dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng cho hay Tổng thống Trump muốn giải mật toàn bộ tài liệu, nhưng các cơ quan tình báo, bao gồm FBI và CIA đã ngăn cản ông vì lo ngại “ảnh hưởng an ninh quốc gia và quan hệ đối ngoại”.

Góc nhìn từ cửa sổ, nơi nghi phạm Oswald nổ súng vào cố Tổng thống Kennedy. Ảnh: BBC

Mặc dù vậy, với hàng triệu trang của 2.800 tài liệu vừa được công bố, giới quan sát đã phát hiện 3 nghi vấn mới xung quanh vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy thông qua bản ghi nhớ của cựu Giám đốc FBI Edgar Hoover.

Bức ảnh ghi lại cảnh chiếc xe chở ông Kennedy và phu nhân sau sau khi cố Tổng thống Mỹ bị bắn. Ảnh: AP

Cuộc gọi bí ẩn ngay trước khi súng nổ

Theo thông tin ghi chép của cựu Giám đốc FBI Edgar Hoover trong tài liệu mật liên quan đến vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ John Kennedy vừa được chính phủ Mỹ công bố, vào ngày 22-11-1963, một nhân vật nặc danh đã gọi điện đến tòa soạn của hãng tin Anh Cambridge News, BCC đưa tin.

Sát thủ Lee Harvey Oswald tại đồn cảnh sát Dallas. Ảnh: Getty

Cụ thể, phóng viên này đã nhận cú điện thoại lúc 18h05 giờ GMT ngày 22-11-1963, tức là chỉ 25 phút trước khi cố Tổng thống Kennedy bị bắn vào đầu. Người ở đầu dây bên kia gợi ý ông gọi điện tới Đại sứ quán Mỹ ở London để có “tin giật gân”.

Phóng viên này sau đó đã trình báo về nội dung cuộc điện thoại cho giới chức địa phương và cơ quan an ninh MI-5 của Anh. Ông cũng cho biết đây là lần đầu tiên mình nhận được một cuộc điện thoại tương tự.

Mi-5 đã lập tức báo tin về cuộc điện này cho giới chức an ninh Mỹ. Tuy nhiên, quá khó đối với người Mỹ để ngăn chặn thảm hoạ bởi thông tin mà họ nhận được quá chung chung.

Đến hiện tại, vẫn chưa bên nào có thể chứng minh cuộc gọi nặc danh trên với vụ ám sát Tổng thống Kennedy.

Cái chết đáng ngờ của Oswald

Bản ghi nhớ viết tay của Giám đốc FBI Edgar Hoover cũng gợi mở thêm một nghi vấn khác xung quanh cái chết của nghi phạm Oswald.

Vào ngày 24-11-1963, 2 ngày sau khi vụ ám sát xảy ra, FBI đã nhận điện thoại nặc danh rằng Oswald có thể bị thủ tiêu. FBI ngay lập tức cảnh báo với cảnh sát Dallas nhưng cuối cùng Oswald vẫn bị bắn chết ngay hôm sau bởi Jack Ruby, một chủ hộp đêm bình thường tại Dallas.

Trong sổ tay của mình, ông Hoover phàn nàn rằng cảnh sát Dallas đã không thực hiện bất cứ biện pháp đảm bảo an toàn nào cho nghi phạm.

Thiện Nhân
.
.
.