Cuộc sống bên trong nơi bí ẩn và đáng sợ nhất hành tinh

Thứ Sáu, 28/04/2017, 07:51
Nhà trong các ngôi làng ở Khu vực phi quân sự liên Triều (DMZ) được xây dựng không cao, chỉ đến 2 tầng lầu. Các nhà không san sát cạnh nhau mà bao giờ cũng cách nhau một đoạn với những con đường đi trải đầy hoa.

Điều đặc biệt là tại các ngôi làng này, người ta không phải xây cổng nhà bởi làm gì có tội phạm mà sợ mất đồ. Người dân muốn sang thăm nhà nhau chỉ cần đi theo “con đường hoa” là tới.

Hoa và hầm trú ẩn

Trở lại Hàn Quốc vào đúng thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng với hàng loạt hành động từ cả hai phía, một lần nữa tôi lại được nghe kể những câu chuyện về sự chia cắt và tận mắt chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân ở DMZ.

Khác với cảm giác “sợ đến ngạt thở” tại Panmunjeon (hay còn gọi là Bàn Môn Điếm) – khu vực diễn ra các cuộc đàm phán với những tòa nhà xanh được xây dựng chính giữa đường biên giới và được bảo vệ an ninh khá chặt chẽ, không khí bao trùm những ngôi làng dân sự này luôn yên bình và an toàn.

Mỗi khi thương nhớ người thân ở bên kia chiến tuyến, người dân Hàn Quốc lại đến Công viên Imjingak, dùng kính viễn vọng nhìn về phía Bắc, CHDCND Triều Tiên.

 Cô bạn Hoomi, hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi cho biết, dù tình hình ở bán đảo Triều Tiên căng thẳng là vậy nhưng người dân đang sinh sống tại các ngôi làng trong DMZ vẫn quyết tâm bám đất, bám làng.

Hàng ngày, nhiều người trong số họ lái xe về thủ đô Seoul để đi làm rồi tối lại quay về nhà. Một số người khác thì sinh hoạt và làm việc ngay tại làng. Họ trồng lúa, trồng rau và các loại hoa mầu. Tuy mang tiếng sống trong khu vực phi quân sự nhưng họ được trang bị đầy đủ các loại phương tiện, máy móc phục vụ công việc của nhà nông.

Thời gian đầu, chính quyền Seoul phải vận động mãi mới có người đồng ý tới sinh sống. Dần dần, người dân quen với cuộc sống nơi đây bởi nó khá yên tĩnh và biệt lập. Đến nay thì các ngôi làng trong DMZ đang ngày càng đông đúc, trường học cũng được xây dựng khang trang để phục vụ con em những gia đình này.

Dẫn chúng tôi một cuốc xe đi vòng quanh các làng ở DMZ, anh cán bộ đối ngoại thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đi cùng đoàn còn kể với chúng tôi rằng, vì DMZ có một khu vực riêng dành cho sĩ quan các nước thuộc Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Hàn Quốc nên người dân xung quanh khu vực này rất thích gửi con em mình tới đây để học tiếng Anh ngoại khóa miễn phí. Số học sinh tham gia học tiếng Anh ngoại khóa hàng năm ở đây cũng không đông lắm, chỉ khoảng 30 em một năm, phần lớn là con em trong các gia đình sinh sống quanh khu vực.

 Chương trình dạy tiếng Anh ngoại khóa này đã được thực hiện ở DMZ trong gần 10 năm qua (từ năm 2008) và được sự ủng hộ, hợp tác của LHQ cũng như các sĩ quan trong Bộ Chỉ huy LHQ tại Hàn Quốc.

Và vì đây là lớp học đặc biệt nên cả giáo viên và học sinh chỉ được phép đi trên một chiếc xe buýt có sự hộ tống của binh sĩ vào lớp học và ra về theo lịch tuần 2 buổi, trong những khung giờ được quy định nghiêm ngặt…

Nhà trong các ngôi làng ở DMZ được xây dựng không cao, chỉ đến 2 tầng lầu. Các nhà không san sát cạnh nhau mà bao giờ cũng cách nhau một đoạn với những con đường đi trải đầy hoa.

Điều đặc biệt là tại các ngôi làng này, người ta không phải xây cổng nhà bởi làm gì có tội phạm mà sợ mất đồ. Người dân muốn sang thăm nhà nhau chỉ cần đi theo “con đường hoa” là tới. Những ngôi làng này cũng không cách xa biên giới với CHDCND Triều Tiên là bao, chỉ vài km.

Người đứng đầu làng Jung Myeon (nơi cách biên giới CHDCND Triều Tiên 3,2km), ông Park Yong-ho cho biết, trong mỗi ngôi nhà, người dân đều có hầm trú ẩn riêng và khi có tình huống khẩn cấp, hệ thống loa trong làng sẽ báo lại cho người dân biết để xuống hầm trú ẩn.

Các hầm trú ẩn này được xây dựng khá kiên cố nhưng thoáng khí, có trang bị cả tivi, tủ lạnh nên việc phải sống trong hầm vài ngày, thậm chí hàng tuần cũng không quá khó chịu.

Một cụ già trong làng, năm nay 95 tuổi, tai thì nghễnh ngãng nhưng hồn nhiên kể chuyện rằng bà thích những lần được các con cho vào Công viên Imjingak trong DMZ.

Ở đó bà được gặp nhiều người và được ấn nút để bật bài hát mà bà yêu thích mang tên “Ba mươi năm chia cắt”. Bài hát này do Gunho Park viết lời, nhạc của Gookin Nam và ca sĩ Woondo Seoul thể hiện, nói về tâm trạng và tình cảm của người dân Hàn Quốc mong hòa bình và thống nhất đất nước.

Biệt lập, bí ẩn

Trên chuyến xe quân sự đi một vòng quanh DMZ, anh cán bộ đối ngoại thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã vui vẻ chỉ dẫn cho chúng tôi một số chi tiết và thông tin về DMZ. Theo đó, DMZ chỉ đóng cửa vào các ngày thứ 2 trong tuần, còn lại là mở cửa đón du khách trong và ngoài nước đến thăm quan.

Khu sản xuất nông nghiệp và những cánh đồng lúa chín vàng trong khu làng dân sự ở DMZ.

Thời gian gần đây, khi hai nước gia tăng căng thẳng, khu công nghiệp chung bị đóng cửa và CHDCND Triều Tiên xây dựng thêm gần 200 trạm quan sát hướng về thủ đô Seoul nhưng người dân Hàn Quốc vẫn không từ bỏ thói quen đến thăm DMZ vào cuối tuần.

Đây là cách mà họ thể hiện tình cảm, nỗi thương nhớ người thân ở bên kia chiến tuyến và cũng là cách để bày tỏ khát vọng một ngày nào đó hai nước thống nhất thành một, Nam – Bắc sum họp một nhà. Có lẽ vì khát vọng hòa bình ấy luôn thường trực trong lòng mỗi người dân Hàn Quốc nên hình ảnh mà tôi thấy nhiều nhất ở DMZ chính là tháp chuông hòa bình.

Tháp chuông này có ở khu vực thăm quan tự do, Công viên Imjingak, tại doanh trại của quân đội Hàn Quốc và tại các làng dân sự được thiết lập bên trong DMZ, nơi người dân hàng ngày vẫn sinh sống và làm ăn.

Cô bạn Hoomi cho biết, những quả chuông này chỉ được đánh vào dịp đặc biệt nhưng mỗi khi tiếng chuông cầu nguyện được gióng lên, người dân bên hai bờ sông Imjin đều có thể nghe thấy. Tiếng chuông thay lời cầu nguyện mong tạo dựng nền hòa bình chung, ước nguyện muôn đời của cả người dân Hàn Quốc.

Cũng theo lời của Hoomi thì DMZ nằm trên biên giới giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, cách căn cứ quân sự Camp Bonifas của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc khoảng 400m về phía Bắc, là một nơi khá biệt lập bởi được bao bọc bằng tuyến hàng rào dây thép gai cao quá đầu người dọc theo sông Imjin.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton sau một chuyến thị sát khu vực này từng ví DMZ là “nơi đáng sợ nhất Trái Đất”. Điều đáng nói là tuy mang tên khu vực phi quân sự nhưng DMZ có lẽ lại là khu vực biên giới quân sự hóa nhất trên thế giới.

Theo thông tin từ báo chí phương Tây, tại khu vực này, CHDCND Triều Tiên đã cắt cử 1,2 triệu binh sĩ, vũ khí và tên lửa các loại còn lực lượng thường trực của Hàn Quốc là 650.000 binh sĩ, chưa kể sự hỗ trợ của khoảng 28.000 quân Mỹ.

Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) khi giới thiệu về DMZ có viết rằng, khu vực này trải dài 250km từ phía Tây sang Đông của bán đảo Triều Tiên, chia cắt tỉnh Gangwon, rộng 4km dọc theo vĩ tuyến 38 và được thành lập dựa trên Hiệp định đình chiến giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc.

Khu vực được tự do đi lại duy nhất ở DMZ là Imjingak, cách ranh giới quân sự 7km, được xây dựng năm 1972 trong niềm hy vọng thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Thắng cảnh này nhìn ra hợp lưu của sông Hangang và Imjingak. Năm 1992, khi Công viên Imjingak được hoàn thành và khai trương, đã có hơn 20 triệu lượt du khách đến thăm quan.

Đặc biệt, trên nóc của tòa nhà triển lãm cao 5 tầng của Công viên Imjingak là 20 kính viễn vọng chỉ về hướng Bắc giúp người dân Hàn Quốc và du khách khi tới đây có thể nhìn thấy rõ làng Hòa bình của CHDCND Triều Tiên và khu công nghiệp Keasong…

Hoomi bảo, du khách nào đến đây, kể cả người nước ngoài hay người Hàn Quốc đều để lại những lời cầu nguyện cho hòa bình và thống nhất ở bán đảo Triều Tiên trên các dải lụa nhiều màu sắc treo ở gần cây cầu Tự do trong Công viên Imjingak.

Những lời cầu nguyện này được viết bằng tiếng Hàn, tiếng Anh hoặc bất kỳ thứ tiếng nào và đều là tâm sự, là tình cảm được gửi gắm nhằm mong những điều tốt đẹp nhất đến với người dân ở bán đảo Triều Tiên.

Sông Thương
.
.
.