Bổ sung ưu đãi CBCS lực lượng vũ trang được mua, thuê nhà ở

Thứ Năm, 26/10/2023, 19:03

Dự thảo luật bổ sung đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) được lựa chọn mua, thuê nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho LLVTND nếu chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, đồng thời đáp ứng điều kiện về thu nhập.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 26/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.  

Bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm như: hình thức sử dụng đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân; các dự án nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công chỉ được cho thuê, mua; quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp…

Bổ sung ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở của lực lượng vũ trang -0
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Trong đó, về nội dung phát triển nhà ở cho LLVTND, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ là: công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu và công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc LLVNND được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo, trừ trường hợp pháp luật quy định các đối tượng này phải ở trong doanh trại của LLVTND.

Đồng thời, bổ sung đối tượng thuộc LLVTND được lựa chọn mua, thuê nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho LLVTND với điều kiện chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, đồng thời đáp ứng điều kiện về thu nhập do Chính phủ quy định; bỏ khoản 2 Điều 101 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 để thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật về đất đai về quản lý đất quốc phòng, an ninh khi không còn nhu cầu sử dụng; sửa Điều 99 của dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 về kế hoạch phát triển nhà ở cho LLVTND theo hướng tổng hợp chung trong kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đồng thời, sửa Điều 104 theo hướng: Việc bố trí đất để phát triển nhà ở cho LLVTND trong quỹ đất phát triển nhà ở xã hội của địa phương; sửa khoản 2 Điều 107 để bổ sung ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở cho LLVTND như ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội.

Bổ sung ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở của lực lượng vũ trang -0
Đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) đề nghị bổ sung, chỉnh lý nội dung giải thích nhà ở cho lực lượng vũ trang quy định theo hướng “Nhà ở cho LLVTND là nhà ở công vụ và nhà ở xã hội cho các đối tượng thuộc LLVTND mua, thuê theo quy định của luật”.

Đối với chính sách nhà ở, nhà công vụ, nhà ở xã hội cho người đang công tác trong LLVTND, đại biểu Vũ Huy Khánh đề nghị chỉnh sửa, bổ sung quy định rõ đối với người công tác trong LLVTND là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật và công nhân Công an được thuê nhà ở công vụ và được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 7 Điều 76 dự thảo Luật. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung về kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cần xin ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định để kiểm tra lại về việc các địa phương quan tâm bố trí việc các dự án phát triển nhà ở cho LLVTND nói chung và phù hợp với các quy định khác mà Đảng, Nhà nước đã có. 

Về loại dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho LLVTND quy định tại khoản 1 Điều 105 theo quy định của dự thảo luật, đại biểu Vũ Huy Khánh đề nghị bổ sung thêm một loại dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nhà ở để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân tự xây dựng nhà ở. Đại biểu cho rằng nếu thiếu hình thức này thì phát triển nhà ở nhiều nơi sẽ rất khó khăn trong việc tạo lập nhà ở cho CBCS công tác trong LLVTND.

Ủng hộ hoàn thiện chính sách cho chung cư mini

Góp ý về quy định liên quan đến chung cư mini đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nhận định chung cư mini là loại hình nhà ở phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, tuy nhiên hệ lụy của loại hình nhà ở này cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng; cần có các quy định đáp ứng an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đảm bảo công tác quy hoạch, đảm bảo an toàn cho người dân. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu thực tế, chung cư mini là loại hình nhà ở rất phổ biến cho các hộ gia đình trẻ, sinh viên, người đi làm tại các thành phố lớn do diện tích vừa phải, giá bán phù hợp với túi tiền, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân.

Bổ sung ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở của lực lượng vũ trang -0
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) ủng hộ hợp pháp hoá chung cư mini.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đề xuất loại hình chung cư mini dưới tên nhà ở nhiều tầng, điều này có nghĩa một hộ gia đình cá nhân có thửa đất vài trăm mét vuông có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp; không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản….

Hơn nữa, điều này cũng đặt ra vấn đề về báo cáo nghiên cứu khả thi thiết kế, cơ sở thẩm duyệt, PCCC, nghiệm thu PCCC… Nếu đưa loại hình này vào dự thảo luật sẽ dẫn đến chung cư mini sẽ phát triển rầm rộ, không chỉ vấn đề an toàn PCCC mà còn liên quan đến giải quyết hạ tầng kỹ thuật xã hội như trường học y tế hành chính dịch vụ cho các hộ gia đình chung cư mini sẽ đè nặng tại các đô thị lớn.

Cũng bàn về loại hình chung cư mini, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) ủng hộ việc bổ sung hoàn thiện các chính sách để phát triển loại hình nhà ở này, vừa huy động được các nguồn lực xã hội, nhất là của người dân tham gia phát triển nhà ở, vừa tạo điều kiện để một bộ phận công nhân lao động, người nghèo, người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên khu vực đô thị có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý và các điều kiện đơn giản linh hoạt.

“Đề nghị sửa đổi bổ sung quy định tại điều này theo hướng: Nhà nước tập trung quản lý kiểm soát được quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ… Quá trình giao dịch quản lý sử dụng không phát sinh tranh chấp; đồng thời, đơn giản hóa các điều kiện thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất và có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại nhà ở này” – đại biểu nêu quan điểm. 

Trường hợp dự thảo luật chưa thể nghiên cứu bổ sung đầy đủ các quy định, đại biểu cho rằng, có thể đưa ra các quy định cơ bản mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành về phát triển loại hình ở này, nhất là vấn đề liên quan đến bán, cho thuê, mua, cấp giấy chứng nhận quản lý sử dụng.

Phương Thuỷ
.
.
.