Định hình lại không gian phát triển toàn đô thị Hà Nội

Chủ Nhật, 23/07/2023, 07:07

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa sơ kết 6 tháng công tác an toàn giao thông (ATGT). Hà Nội là một trong những địa phương được tuyên dương trong việc đảm bảo trật tự ATGT, với cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông đều giảm.

Thế nhưng, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, vấn đề ùn tắc vẫn còn khá nóng, đồng thời đưa ra 6 giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này. Xung quanh việc giải quyết ùn tắc của Thủ đô, Phóng viên Báo CAND dân đã có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT.

4-3.jpg -0
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải.

PV: Là một người nghiên cứu cũng như tư vấn nhiều vấn đề liên quan đến phát triển giao thông vận tải, ông đánh giá thế nào về 6 giải pháp chống ùn tắc do Sở GTVT Hà Nội đưa ra gần đây?

Ông Phạm Hoài Chung: Tôi cho rằng đây là những giải pháp khá truyền thống mà TP Hà Nội đã triển khai trong giai đoạn trước đây. Điểm tích cực là thành phố đã quyết liệt hơn trong các giải pháp cấp bách nhằm giải quyết các điểm ùn tắc, gây bức xúc cho người dân như rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí các lực lượng chốt trực hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp tình thế như trên, thành phố cũng cần dành nguồn lực dài hạn cho các giải pháp mang tính căn cơ, bền vững để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra (vận tải hành khách công cộng bảo đảm chất lượng phục vụ hiệu quả; phấn đấu phục vụ 21,5 - 23% nhu cầu đi lại của người dân) thông qua việc triển khai các nhóm giải pháp mang tính đột phá như ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành giao thông, đèn tín hiệu giao thông, đẩy mạnh công tác triển khai giao thông thông minh.

Đồng thời, bên cạnh việc trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4; các tuyến trục chính hướng tâm như quốc lộ 1, quốc lộ 6; các tuyến đường có tính kết nối như Tam Trinh; Lĩnh Nam, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực thì thành phố cũng cần đặt ra các mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ và vượt tiến độ với các công trình trên. Các dự án trọng điểm sớm đưa vào khai thác sẽ có tác động kép đối với giao thông của thành phố: Vừa giảm ùn tắc do quá trình rào chắn, thi công công trình vừa nâng cao năng lực thông hành của hạ tầng giao thông.

PV: Rõ ràng ùn tắc ở các đô thị lớn là điều khó tránh. Thế nhưng nhiều năm nay Hà Nội cũng đã cố gắng đầu tư công sức, tài chính thực hiện đồng loạt các giải pháp, song kết quả mỗi năm là giảm chỗ này, phình chỗ khác. Ông có cho rằng Hà Nội vẫn đang loay hoay với bài toán khó này?

Ông Phạm Hoài Chung: Đây là vấn đề đau đầu, loay hoay không chỉ riêng Hà Nội mà đối với bất kỳ đô thị lớn nào trên thế giới, đặc biệt là các đô thị có tỷ lệ sở hữu và sử dụng phương tiện cá nhân cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị khác trong khu vực như Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur v.v… Và việc giải quyết bài toán này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều mà cần sự kiên trì, nỗ lực không chỉ của bộ máy quản lý cũng như mỗi người dân tại đô thị.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế mặc dù Hà Nội đã dành nhiều công sức, tài chính để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, tuy nhiên tỷ trọng dành cho các công trình đường bộ (trục chính đô thị, đường vành đai, cầu vượt sông v.v…) hiện đang chiếm tỷ lệ lớn, mặc dù các công trình này cũng đã nâng cao năng lực giao thông của toàn thành phố nhưng cũng chưa thể giải quyết triệt để được bài toán ùn tắc giao thông khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn là đường sắt đô thị vẫn chậm đầu tư đưa vào khai thác (như các tuyến Nhổn - ga Hà Nội, tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo v.v… đều chậm tiến độ trong đầu tư xây dựng).

PV: Nhìn vào thực tế, việc cấp phép xây dựng quá nhiều chung cư, nhà cao tầng khiến mật độ cư dân tại đô thị bị nén chặt, càng khiến tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng chậm được triển khai hoặc chưa thu hút được nhiều người sử dụng. Điều này chúng ta nên giải quyết thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hoài Chung: Để quản lý đô thị hiện đại đòi hỏi sự phối hợp triển khai đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông...,) mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tức là phải tính toán mật độ dân cư, tốc độ tăng phương tiện, số chuyến đi bình quân trong ngày theo từng khu vực…

Một số đô thị có mật độ chung cư cao vẫn xử lý tình trạng ùn tắc giao thông do tổ chức giao thông hợp lý kết hợp với hệ thống đường sắt đô thị như kinh nghiệm của Hongkong (áp dụng thành công mô hình TOD "đường sắt kết hợp bất động sản"; hệ thống đường sắt đô thị của Hongkong trải dài trên 221km và phục vụ hiệu quả cho hơn 5,8 triệu người/ngày; hiện nay dân số Hongkong khoảng 7,6 triệu người với mật độ khoảng 2.760 người/km2). Mật độ dân số của Hongkong cao hơn Hà Nội (dân số khoảng 8,4 triệu người, mật độ khoảng 2.500 người/km2)… nhưng Hongkong đã có những giải pháp để hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Như vậy, việc mật độ cư dân đô thị bị nén chặt chỉ là một phần nguyên nhân gây ra ùn tắc, nếu chúng ta có những giải pháp phù hợp (phát triển các khu vực đô thị nén theo mô hình TOD gắn với đường sắt đô thị) hoàn toàn có thể giải quyết được bài toán trên, đồng thời tạo ra lượng hành khách thường xuyên sử dụng đường sắt đô thị và là động lực để mạng lưới vận tải hành khách công cộng phát triển.

4-4.jpg -0
Nút giao Mai Dịch - một trong những “điểm đen” ùn tắc mới của Hà Nội.

PV: Một trong những giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông được ưu tiên trước mắt là giải tỏa các "điểm đen" ùn tắc, nhất là tại các nút giao. Thế nhưng, ùn tắc trong giờ cao điểm vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân. Gần đây nhất là hai "điểm nóng" trên đường Nguyễn Trãi và nút giao cầu vượt Mai Dịch. Phải chăng các phương án tổ chức giao thông ở khu vực này đang áp dụng chưa sát với thực tế nên không phát huy hết hiệu quả?

Ông Phạm Hoài Chung: Ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp có nhiều nguyên nhân nhưng cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT cần lưu ý xử lý đồng bộ: Giảm thiểu các công trình cản trở hạn chế lưu thông trên các tuyến qua khu vực cầu Mai Dịch, đường Nguyễn Trãi, đồng thời bổ sung các giải pháp tạm thời như phân luồng giao thông từ xa theo các cung giờ cao điểm tại các tuyến đường đang có đầu tư xây dựng. Thực tế trong thời gian đầu triển khai công tác phân luồng, cùng với sự ra quân hướng dẫn và điều hành giao thông của các lực lượng thuộc Sở GTVT, tình hình giao thông tại các khu vực trên cũng đã bước đầu có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, khi không thể duy trì thường xuyên lực lượng chức năng như thời điểm đầu, tình trạng giao thông lại diễn biến phức tạp trở lại, qua đó có thể thấy bên cạnh các giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước thì ý thức lưu thông của người dân cũng tác động không nhỏ đến tình hình ùn tắc giao thông.

PV: Trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và không theo kịp với sự gia tăng về dân số và lượng xe cá nhân, ùn tắc giao thông ở Hà Nội vẫn là "căn bệnh mãn tính" và diễn biến ngày càng phức tạp. Là đơn vị đưa ra các chiến lược về phát triển giao thông của cả nước, theo ông với hàng loạt các giải pháp Hà Nội đã, đang và sẽ áp dụng, tình trạng ùn tắc cần thời gian bao lâu để thông thoáng hơn?

Ông Phạm Hoài Chung: Hiện nay vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá "Hà Nội sẽ cần thời gian bao lâu để thông thoáng hơn?", tuy nhiên tôi tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, việc triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài, tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội sẽ từng bước có sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, hiện nay thành phố cũng đang triển khai đồng thời 3 nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, sửa đổi Luật Thủ đô sẽ là cơ hội lớn để Hà Nội định hình lại không gian phát triển toàn đô thị, cũng như đưa ra các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, trong đó có việc từng bước giải quyết cơ bản bài toán ùn tắc giao thông.

PV: Xin cảm ơn ông!

Sở GTVT Hà Nội đưa ra 6 biện pháp đẩy lùi ùn tắc

Mới đây, tại một cuộc họp về trật tự an toàn giao thông, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã cho biết, tới đây Hà Nội sẽ tiếp tục 6 biện pháp nhằm đẩy lùi ùn tắc giao thông.

Cụ thể: 1. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4 (khởi công ngày 25/6/2023) để mở rộng không gian phát triển của thành phố, các tuyến trục chính hướng tâm như quốc lộ 1, quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long và các tuyến đường có tính kết nối, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực.

2. Tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người và phương tiện. Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có.

3. Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng kết hợp mô hình TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị); quản lý vận hành hiệu quả tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tiếp nhận, đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sau khi hoàn thành; tiếp tục phát triển và cải thiện mạng lưới tuyến buýt theo hướng cải thiện chất lượng, hiệu quả hướng tới mô hình tiên tiến, văn minh và thân thiện với môi trường.

Tích cực thực hiện các chương trình chuyển đổi xanh, từng bước đưa xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào khai thác theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục đổi mới và quản lý hiệu quả hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bảo đảm an toàn, thuận tiện cho hành khách tiếp cận dịch vụ và xe buýt vận hành. Tăng mức độ bao phủ của điểm dừng để khoảng 80% người dân có thể tiếp cận dịch vụ xe buýt trong phạm vi đi bộ hợp lý với cự ly dưới 500m.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông, ưu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh... Đây là nhóm giải pháp mang tính đột phá.

5. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biển pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông.

6. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực giao thông vận tải. Đây là nhóm giải pháp thường xuyên, tích cực, góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Phạm Huyền (Thực hiện)
.
.
.