Thí điểm lập “Hồ sơ, sổ sức khỏe điện tử” tại Hà Nội:

Kỳ cuối: Có quyết tâm, trách nhiệm chính trị, ắt thành công

Thứ Sáu, 10/11/2023, 06:09

Cũng giống như việc triển khai Đề án 06 được Chính phủ xác định, muốn thành công, hiệu quả, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và từng cấp phải có quyết tâm chính trị, thay đổi tư duy về chuyển đổi số. Đối với việc triển khai sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, quyết tâm chính trị của TP Hà Nội được thể hiện bằng việc nhanh chóng triển khai kế hoạch thí điểm trong năm 2023-2024.

Đảm bảo mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe

Tại phiên họp tháng 10 của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của chính phủ được tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023-2024.

suc khoe 2.jpg -0
Lực lượng Công an cấp xã, phường phối hợp hỗ trợ các trạm y tế cơ sở trong cập nhật thông tin, dữ liệu phục vụ khám, chữa bệnh của nhân dân.

Mục đích của việc thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm quản lý sức khỏe cho người dân để mọi người dân trên địa bàn thành phố đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Người dân cũng được tư vấn sức khỏe, điều trị hoặc chuyển tuyến phù hợp khi khám bệnh, chữa bệnh. Thông qua việc thiết lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe điện tử cũng nhằm nâng cao công tác quản lý y tế dự phòng và công tác khám bệnh, điều trị tại tuyến cơ sở; thiết lập hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý sức khỏe theo dõi tình hình bệnh tật và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố gắn với bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

Trao đổi với PV, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá: Thông qua việc kết nối, chia sẻ thông tin sức khỏe người dân trên ứng dụng VNeID với các thông tin y tế cơ bản, người dân có thể tra cứu và theo dõi thông tin về sức khỏe của bản thân khi đi thăm khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn thành phố. Việc kết nối dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội với Cơ sở dữ liệu Bảo hiểm phục vụ cập nhật, xác minh thông tin người dân tham gia BHYT. Khi thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử cũng nhằm xây dựng kho dữ liệu sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố. Từ kho dữ liệu này, UBND TP Hà Nội cũng như Bộ Y tế sử dụng để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và phục vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu để chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh, dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

Yêu cầu về việc thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố được lãnh đạo UBND TP Hà Nội xác định đến tất cả người dân trên địa bàn có hồ sơ sức khỏe, được các tuyến y tế cơ sở quản lý, theo dõi sức khỏe chủ động hoặc định kỳ. TP Hà Nội xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe từ lúc khai sinh cho đến lúc khai tử của từng người dân trên địa bàn để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Để làm được việc đó, TP Hà Nội sẽ thiết lập hệ thống phần mềm quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu sức khỏe toàn dân trên địa bàn một cách tập trung và thống nhất. Từ hệ thống và nguồn dữ liệu này, TP Hà Nội sẽ cảnh báo về thông tin y tế cấp thiết ảnh hưởng đến cộng đồng, đặc biệt quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mô hình quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ phải đáp ứng các yêu cầu như quản lý tập trung theo mã định danh y tế duy nhất; phân cấp, phân quyền truy cập thông tin theo quy định, đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật thông tin. Hồ sơ sức khỏe điện tử dựa trên mỗi cá nhân được cấp một mã định danh y tế duy nhất và một mã định danh công dân. Mã định danh y tế này được dùng để phục vụ người dân tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử được tích hợp, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác minh thông tin người dân và liên thông dữ liệu sức khỏe với sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Rõ phần việc, lộ trình thực hiện

Theo UBND TP Hà Nội, dữ liệu sức khỏe người dân sẽ được hình thành từ 4 nguồn dữ liệu cơ bản gồm: Dữ liệu đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT; đối tượng tham gia khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; đối tượng tiêm chủng mở rộng theo các chương trình tiêm chủng và dữ liệu từ đối tượng tham gia tiêm chủng COVID-19. Dữ liệu người dân định kỳ được khởi tạo, xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Trên cơ sở gợi mở và hỗ trợ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam, BHXH TP Hà Nội cung cấp dữ liệu đối tượng tham gia BHXH, BHYT của người dân trên địa bàn thành phố để khởi tạo thông tin cơ bản ban đầu của người dân, từ đó hình thành kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố.

BHXH TP Hà Nội cũng tiến hành tích hợp dữ liệu tiêm chủng COVID-19, tiêm chủng mở rộng làm giàu thông tin đối tượng người dân trên kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân trực thuộc trên địa bàn thành phố liên thông tự động dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT và không sử dụng BHYT theo định dạng của Quyết định số 130 của Bộ trưởng Bộ Y tế về kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của thành phố ngay sau khi người bệnh kết thúc quá trình khám, chữa bệnh. Triển khai tích hợp, liên thông dữ liệu sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố với cơ sở dữ liệu dân cư và sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Đối tượng lập hồ sơ sức khỏe điện tử là toàn bộ người dân có đăng ký thường trú tại Hà Nội (hay là đang sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội) thành các nhóm trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên, cán bộ công viên chức, người lao động, người cao tuổi, hưu trí, người dân lao động tự do và người khác…

UBND TP Hà Nội cũng thông tin, lộ trình triển khai kế hoạch được chia ra làm 3 giai đoạn. Sở Y tế có trách nhiệm rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng, đường truyền của 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, 53 phòng khám đa khoa và các trạm y tế tại 579 xã, phường, thị trấn để đảm bảo việc triển khai phần mềm. Sở Y tế cũng chủ trì xây dựng các quy trình nghiệp vụ, cung cấp đầy đủ các trường thông tin phục vụ cho công tác xây dựng triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử…

Đánh giá về kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử, đồng chí Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, rất mong muốn kế hoạch trên sớm được triển khai. Từ kinh nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, CCCD gắn chip, Face ID để khám chữa bệnh, đại diện Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khẳng định rất hiệu quả và không chỉ bệnh nhân mà chính bệnh viện cũng được hưởng lợi rất lớn từ sự thay đổi, áp dụng dữ liệu, triển khai Đề án 06 trong khám, chữa bệnh.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an thành phố đã sẵn sàng trong triển khai các nhiệm vụ để phục vụ quá trình thực hiện sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội. Trong khi chờ thành phố hoàn thiện Trung tâm dữ liệu Nhà nước của thành phố, Công an TP Hà Nội báo cáo Bộ Công an và được Bộ Công an hỗ trợ tối đa về các điều kiện để giúp Hà Nội trong hạ tầng, dữ liệu xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử. Công an TP Hà Nội cũng chỉ đạo Công an cấp xã phối hợp với Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ triển khai Đề án 06 ở thôn, tổ dân phố, trạm y tế các xã, phường, thị trấn hỗ trợ chuẩn hóa thông tin người dân tại địa bàn thu thập, cập nhật thông tin người dân để khởi tạo kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử và hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID.

Hoàng Phong
.
.
.