Nghiêm trị kịp thời tư tưởng “vinh thân phì gia”!

Thứ Ba, 17/10/2023, 07:38

Không ai muốn cán bộ, đảng viên phải nghèo. Nhưng cũng chẳng ai cấm cán bộ, đảng viên giàu. Có điều, phải làm giàu một cách chân chính, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Câu chuyện nóng về  “vinh thân phì gia”

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 vào đầu tháng 10/2023 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Theo kết luận trước đó của Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Lê Đức Thọ vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.

Liên quan đến vấn đề kê khai tài sản, trước đó, Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Tư pháp đầu tháng 9/2023 cho thấy, từ 8/2/2022 đến 30/4/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của 13.093 người;   có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…. Đặc biệt, các cơ quan đã xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…). Và hàng loạt vụ sai phạm, kỷ luật liên quan đến kê khai tài sản đình đám khác mà cơ quan chức năng xử lý những năm qua.

Thực tế cho thấy, những tài sản kếch xù, cuộc sống xa hoa không cần giấu giếm của không ít người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy Nhà nước diễn ra ngay trước mắt “bàn dân thiên hạ” đang là nỗi bức xúc của người dân. Người dân có quyền nghi ngờ về sự trung thực trong việc kê khai tài sản...

Không thể không hoài nghi khi nhìn từ những vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên, gồm cả cán bộ, quan chức cao cấp bị xử lý kỷ luật, phạt tù lại cho thấy, hầu hết những cán bộ, đảng viên suy thoái đều không trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập. Chỉ khi chủ nhân của những bản kê khai này bị pháp luật xử lý vi phạm, kê biên tài sản thì tính xác thực của nó mới được phơi bày.

Dù cho đã có hàng loạt hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề kê khai tài sản và công tác quản lý, kiểm soát sự minh bạch trong kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập. Trong đó, tính xác thực của những bản kê khai cũng như tính trung thực của người kê khai vẫn rất khó kiểm soát, thiếu công cụ, biện pháp xác minh liên thông đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan đến đăng ký biến động tài sản, thuế, ngân hàng…

Thật tình, không ai muốn cán bộ, đảng viên phải nghèo, nhưng chẳng ai cấm cán bộ, đảng viên giàu. Vấn đề là phải làm giàu một cách chân chính, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước chứ không được bất chấp tất cả để chạy theo danh - lợi nhằm… “vinh thân phì gia”.

Câu chuyện liên quan cán bộ cấp cao kể trên bị phát hiện, kỷ luật nặng hiện vẫn là “chuyện nóng”

Trách nhiệm nêu gương không bao giờ thừa

Có một điểm chung của các vụ án “gian lận” về kê khai tài sản ở đây đó là, trước khi bị phát hiện phanh phui đưa ra ánh sáng công luận, cơ bản những cán bộ, quan chức này hàng năm đều có những bản kê khai tài sản rất “an toàn”.

Nên thứ mà dư luận lên án chính là sự gian dối, thiếu trung thực của những người thuộc diện phải kê khai tài sản nhằm che giấu tài sản không minh bạch. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm trong kê khai tài sản, thu nhập phải trung thực, chống hình thức kê khai cho có, cho đủ thủ tục.

Đã không ít lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo về những biểu hiện suy thoái, những cái giàu “bất thường”, “thu nhập” thiếu minh bạch của một bộ phận cán bộ, đảng viên là một thực tế đang hiện hữu trong xã hội. Vì nếu chỉ thu nhập bằng tiền lương thì làm sao có thể giải thích cho lối sống xa hoa hoặc sở hữu những khối tài sản đồ sộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đã từng bị báo chí, truyền thông chỉ mặt, điểm tên.

Mới đây, ngày 13/10 vừa qua, tại Ninh Bình đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới”. Một lần nữa, nhiều vấn đề liên quan đến tư tưởng, đạo đức của cán bộ, đảng viên lại được các chuyên gia “mổ xẻ”.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “…Có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…Việc đẩy mạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức càng có tính cấp thiết, quan trọng, để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh, trọn vẹn tấm lòng thủy chung vì dân tộc, vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, “... hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc “nêu gương” của cán bộ, đảng viên. Theo Người, sở dĩ cần phải “nêu gương” là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình. Người viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Hồ Chí Minh nêu ra 12 điều vềTư cách của Đảng chân chính cách mạng. Tư cách ở đây chính là sự nêu gương, là tấm gương của sự phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Do đó, “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Để trở thành người cách mạng chân chính, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp:Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; phải tránh xa những thói xấu như lười biếng, gian giảo, tham lam... Đồng thời, Người nêu rõ bổn phận của mọi cán bộ, đảng viên là: cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc. Người cho rằng, muốn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi người phải nỗ lực hết mình, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải là những “đầu tàu gương mẫu”.

Điều này cũng có nghĩa, để trị tư tưởng “vinh thân phì gia” thì mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần quy định về “nêu gương”. Không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Không bị lợi ích vật chất cám dỗ, không bị chi phối bởi “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”.

Cần phải thực sự xứng đáng với sự tin yêu của quần chúng nhân dân dành cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giương cao ngọn cờ tiên phong“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh trong lòng nhân dân.

Tôi vẫn nhớ lời bộc bạch của ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Khóa XI: "Đã là con người thì khó có thể hoàn toàn “miễn nhiễm” trước những cám dỗ ghê gớm của vật chất và quyền lực. Bởi thế, yếu tố quan trọng vẫn là giáo dục đạo đức, sự liêm chính trong cán bộ. Từng cá nhân ở mỗi cương vị, vị trí phải có sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức công vụ. Là công bộc của dân, không thể dùng quyền lực của mình để lợi dụng, khai thác vật chất cho cá nhân, gia đình mình. Mỗi cán bộ, đảng viên, thực chất là cán bộ có chức quyền phải luôn khiêm tốn và tâm niệm rằng làm để cống hiến, phục vụ Nhân dân.".

Sông Hàn
.
.
.