'Bốc thuốc' chữa bệnh ngành Xuất bản

Thứ Năm, 22/01/2015, 08:45
Ngày 21/1, tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức buổi tọa đàm "Những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên - Thực trạng và giải pháp" với sự tham gia của đông đảo các nhà xuất bản, nhà quản lý và đơn vị hoạt động liên quan. Bên cạnh việc phản ánh, phân tích thực trạng xuất bản, các đại biểu cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm "bắt bệnh" và "bốc thuốc" chữa bệnh ngành Xuất bản hiện nay.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, bên cạnh những phát triển của ngành Xuất bản, thời gian gần đây, nhiều ấn phẩm có vấn đề, gây “ô nhiễm” môi trường giáo dục thanh thiếu niên, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Xuất bản và sự nghiệp giáo dục. Một trong số đó là những loại sách giáo dục lịch sử, đạo đức, cung cấp kiến thức khoa học,... với chất lượng kém, biên soạn cẩu thả, nội dung nhảm nhí, phản cảm, kiến thức và ngôn từ đã lạc hậu, thậm chí sai.

Tọa đàm "Những cuốn sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên - Thực trạng và giải pháp".

Vấn nạn này đã diễn ra nhiều năm mà cho đến gần đây, công luận mới phát hiện, tập trung phê phán và cơ quan quản lý nhà nước đã có “quan tâm” thật sự vì không rơi vào nhóm “nhạy cảm chính trị” hay “bạo lực, dâm ô”. Tình trạng này lặp đi lặp lại bởi một số tác giả, nhóm biên soạn ở một số NXB, ở một số đối tác liên kết làm sách. Những cuốn sách này để lại tác hại về lâu dài, làm tha hóa con người, đặc biệt xấu với trẻ em, học sinh; làm giảm lòng tin của cộng đồng với ngành nghề xuất bản trong nước, gây khó khăn kinh tế cho tác giả, NXB làm ăn nghiêm túc, tác động làm giảm uy tín của những người làm xuất bản chân chính.

Đại biểu Mai Hương cũng cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 20 nhà xuất bản tham gia xuất bản sách dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng với số lượng sách xuất bản khoảng 5.000 cuốn/năm (chiếm khoảng 17% tổng số sách toàn ngành).

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều sách vi phạm pháp luật về xuất bản. Sách truyện tranh có hình ảnh, nội dung bạo lực, miêu tả quan hệ tình yêu, quan hệ giới tính lệch lạc, không phù hợp với giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng, vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Sách có nội dung vô bổ, nhảm nhí không có giá trị giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng và ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy, tâm hồn của bạn đọc trẻ, như: sách dịch ngôn tình Trung Quốc, sách có nội dung lấy từ mạng Internet… đề cập chủ yếu đến cuộc sống của thanh niên sống ở thành thị, với những mối tình tay ba, tình yêu đồng tính…

Sách có nội dung giáo dục nhưng không được biên tập, đọc duyệt kĩ, dẫn đến sai sót về kiến thức, sự kiện, nhân vật lịch sử; sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung xuất bản phẩm, gây phản cảm; sử dụng hình ảnh minh họa bản đồ quốc gia thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, sử dụng cờ nước ngoài để minh họa thay cho việc sử dụng cờ Tổ quốc.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chỉ ra khá nhiều nguyên nhân. Nhiều đại biểu khẳng định, giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản chưa làm tròn trách nhiệm, buông lỏng quy trình biên tập, quy trình liên kết xuất bản. Một số biên tập viên yếu kém về nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và thiếu nhạy bén trước những vấn đề có tính nhạy cảm, không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với loại sách biên tập. Một số bộ phận lực lượng sáng tác (chủ yếu là lực lượng sáng tác trẻ) muốn nhanh nổi tiếng, xuất bản sách thu được lợi nhuận cao nên chuyển sang sáng tác các loại sách ngôn tình, đam mỹ, phục vụ thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả.

Ông Vũ Đình Thân, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Văn hóa Gia Vũ cho biết, để một cuốn sách ra đời hoàn chỉnh cần phải qua nhiều công đoạn như tác giả, dịch giả phải làm việc đứng đắn.

Về mặt quản lý thì đối tượng liên kết, nguồn gốc bản thảo, tác giả, dịch giả đều phải được thể hiện qua các thủ tục cần thiết như hợp đồng tác quyền, hợp đồng liên kết. Bên cạnh đó là đội ngũ làm công tác biên tập, người làm biên tập cần phải có nghề, am hiểu chuyên môn. Hiện nay, chúng ta thường lẫn lộn giữa công tác biên tập và sửa bản in nên dễ xảy ra tình trạng bỏ sót chuyên môn của tác phẩm, thậm chí khi biên tập một cuốn sách dịch cũng không cần bản gốc để đối chiếu, mà chỉ chỉnh sửa lỗi chính tả rồi kí tên đã biên tập.

Với việc thực hiện sách liên kết, nhiều ý kiến cũng cho rằng, rất cần làm rõ việc có hay không một số nhà xuất bản chỉ bán giấy phép thu tiền, không quan tâm đến công tác biên tập, quy trình cấp phép, mặc cho đơn vị liên kết thao túng. Cơ quan quản lý chủ quản, Cục Xuất bản cần phải tăng cường, xem xét năng lực đội ngũ quản lý, cán bộ biên tập, cấp kinh phí hoạt động, đặt hàng có điều kiện cho các nhà xuất bản có điều kiện hoạt động tốt hơn. Việc duyệt và xác nhận đăng ký đề tài đăng ký cho nhà xuất bản phải dựa trên năng lực thực sự và chức năng của nhà xuất bản...

Từ 15/2: Xuất bản phẩm điện tử phải có giải pháp kỹ thuật kiểm soát bản quyền số

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định 195/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản. Theo đó, nhà xuất bản và tổ chức, cá nhân phát hành xuất bản phẩm điện tử phải đáp ứng điều kiện về giải pháp kỹ thuật kiểm soát bản quyền số trong hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử quy định tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 17, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP, gồm: có thiết bị, phần mềm kỹ thuật chống can thiệp, thay đổi và sao chép trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung xuất bản phẩm điện tử; có biện pháp kỹ thuật xác thực tính hợp pháp của người sử dụng khi truy cập và sử dụng xuất bản phẩm điện tử và phải bảo đảm tính riêng tư, an toàn và bảo vệ thông tin cá nhân; có điều khoản thông báo về trách nhiệm chấp hành quy định của pháp luật về xuất bản và sở hữu trí tuệ đối với người sử dụng trước khi truy cập và sử dụng xuất bản phẩm điện tử. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2. (H.T.)

Ngọc Nguyễn
.
.
.