Hà Nội gìn giữ các di tích Nho học cho muôn đời sau

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:21
Mặc dù chiếm số lượng không nhiều, song các di tích Nho học là bộ phận không thể thiếu trong khối di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội, chứng minh cho truyền thống hiếu học, khoa bảng của đất Kinh kỳ. Theo thống kê mới nhất, Hà Nội có 201 di tích Nho học, gồm: Văn miếu, văn từ, văn chỉ, nhà thờ các vị khoa bảng, đền thờ tiến sĩ, thám hoa, di tích thuộc loại Tam giáo; trong đó 83 di tích đã được xếp hạng.

Từ năm 2001, sau khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực, hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Thủ đô được quan tâm, tu bổ tôn tạo và nhiều di tích được xếp hạng.

Cũng từ thời điểm đó đến nay, Hà Nội đề nghị xếp hạng thêm 450 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 47 di tích văn chỉ, văn từ, nhà thờ các vị tiên hiền khoa bảng. Đây là cơ sở tốt để địa phương, dòng họ nơi có các di tích Nho học gìn giữ, phát huy giá trị di tích, khơi dậy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo cho người dân hoặc con cháu.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết: Từ năm 2001 đến nay, khi Luật Di sản văn hóa đi vào cuộc sống, các di tích Nho học đã được quan tâm tôn tạo. Thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố có 15 di tích Nho học đã được tu bổ tôn tạo trong thời gian này.

Trong năm 2013 – 2014, Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội còn thực hiện tổng kiểm kê đánh giá hiện trạng tổng thể các di tích trên địa bàn Thủ đô, trong đó có hệ thống di tích Nho học. Những di tích Nho học nói riêng và di tích nói chung bị xuống cấp được đưa vào danh mục đề nghị tu bổ, tôn tạo; di tích có đủ tiêu chí xếp hạng cũng được đề nghị xếp hạng và di tích vi phạm sẽ có phương án xử lý.

Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội đang đề xuất với các địa phương, các dòng họ, nơi có di tích Nho học thực hiện sưu tầm, bổ sung các tư liệu hiện vật liên quan đến di tích Nho học như: Văn bia, sắc phong, sắc chỉ, lệnh chỉ, gia phả, sách cổ… để tăng thêm giá trị của các di tích. Là di tích Nho học tiêu biểu và quan trọng bậc nhất của cả nước, từ nhiều năm nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn là nơi đi đầu trong tu bổ, tôn tạo di tích.

Từ năm 2013 đến đầu năm 2015, di tích này đã hoàn thành dự án tu bổ chống xuống cấp các hạng mục: Nhà Thái học, nhà chuông, nhà trống, nhà che bia tiến sĩ. Bà Nguyễn Thị Luận, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: Công tác tu bổ được triển khai thận trọng, giữ tối đa các yếu tố gốc. Đến nay, công tác tu bổ đã hoàn thành, góp phần tạo không gian, cảnh quan đẹp cho di tích.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho dù nền giáo dục nước ta có nhiều cải cách biến đổi, song di sản Nho học vẫn nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các trường học, gia đình học sinh.

Vì vậy, những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nho học cần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, hoạt động của các di tích Nho học đến các đối tượng trên nhằm “tiếp lửa” cho truyền thống hiếu học của các thế hệ trẻ. Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của Nho học chính là giữ gìn truyền thống của cha ông, hun đúc thêm tinh thần hiếu học cho các thế hệ đời sau.

Đình Thuận
.
.
.