Nhiều khoảng trống đáng tiếc với người làm sách

Thứ Hai, 21/03/2016, 22:32
Chỉ trước khoảng hơn chục tiếng đồng hồ trước giờ Hội sách TP Hồ Chí Minh 2016 khai mạc chính thức tại Công viên Lê Văn Tám, TP Hồ Chí Minh, một buổi gặp gỡ, trao đổi giữa Hội xuất bản Việt Nam và Hội xuất bản Indonesia đã diễn ra tại Đường sách thành phố (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1).

Câu chuyện của các thành viên trong đoàn bạn - những người từng có nhiều năm đảm trách các vị trí quan trọng trong Hiệp hội xuất bản các nước ASEAN khiến không ít người giật mình khi nhìn lại Hội sách TP. Hồ Chí Minh cũng như sự kỳ vọng về một sự phát triển văn hóa đọc nói riêng, văn hóa nói chung từ Hội sách.

Chủ tịch Hội xuất  bản Indonesia, nguyên Chủ tịch Hiệp hội xuất  bản ASEAN, bà Lucya AnDam Dewi cho biết, hoạt động xuất bản, trong đó có việc tham gia, tổ chức các hội sách quốc gia, quốc tế của Indonesia nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ.

Chính phủ đã hỗ trợ 10 triệu USD để hỗ trợ Hội xuất bản, các đơn vị làm sách tham gia Hội sách Franhkfut năm 2015. Có đến 70 học giả, tác giả được ban tổ chức chọn lọc để đưa đến tham gia các chương trình giao lưu, tọa đàm và 400 tác phẩm được các đơn vị làm sách đầu tư, xuất bản đưa đến giới thiệu tại Hội sách nói trên.

Kết quả, có 140 tác phẩm được các đơn vị làm sách nước ngoài mua bản quyền, chuyển ngữ sau Hội sách. Riêng Hội sách của Indonesia năm 2016, ban tổ chức được hỗ trợ 5 triệu USD. Có lẽ các đơn vị làm sách Việt Nam ít biết được rằng, Indonesia còn có riêng một quỹ dành cho hoạt động dịch thuật lên đến 4 triệu USD. Tất cả các cuốn sách được chọn chuyển ngữ từ tiếng Indonesia sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại đều được hỗ trợ 12USD/trang.

Chính phủ Indonesia cũng quy định bắt buộc học sinh phải dành 15 phút trước mỗi buổi học để đọc sách tham khảo (không được đọc sách giáo khoa) và sách được chọn đọc từ tủ sách trong phòng học…

Indonesia có nhiều ưu đãi cho hoạt động xuất bản nhưng trong tất cả các hoạt động liên quan, những người làm sách cũng buộc phải quan tâm đến nhiều nội dung hoạt động khác mang tính quảng bá cho đất nước.

Đường sách TP Hồ Chí Minh được khen ngợi là độc đáo trong khu vực ASEAN.

Tại các Hội sách, Indonesia không chỉ đặt mục tiêu bán bao nhiêu sách mà phải gắn hoạt động trưng bày, giới thiệu sách với rất nhiều hoạt động khác như văn hóa nghệ thuật, ẩm thực. 

Khách đến khu vực gian hàng của Indonesia, ngoài sách, còn có thể trực tiếp trải nghiệm chế biến, thưởng thức ẩm thực truyền thống, tìm hiểu nghệ thuật truyền thống của Indonesia. Với đất nước này, câu chuyện của sách và phổ biến tri thức luôn đi liền với phát triển văn hóa đất nước, dân tộc.

Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội xuất bản ASEAN, bà Nova Rasdiana tỏ thái độ vô cùng ngạc nhiên khi đi tham quan một vòng đường sách TP Hồ Chí Minh. 

Bà khẳng định, đường sách thành phố là hiện tượng khá đặc biệt trong các nước ASEAN. Có rất nhiều sách về văn hóa, lịch sử, kể cả sách về ẩm thực, du lịch, sách cho thiếu nhi của Việt Nam được trưng bày tại đường sách. Thế nhưng, trong những năm qua, sách của Việt Nam tại Indonesia rất ít. Trong một đợt tập hợp, trưng bày, Indonesia chỉ tìm kiếm được khoảng 15 đầu sách Việt Nam và hầu hết các sách này đều viết về chiến tranh.

Với kinh nghiệm của một người làm việc lâu năm về xuất bản (bản thân bà Nova cũng đang là giám đốc một nhà xuất bản tại Indonesia – PV), bà nhận thấy xu hướng hiện nay của bạn đọc Indonesia là tìm kiếm sách về văn hóa, sách giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt Nam có gì độc đáo, hấp dẫn, ẩm thực Việt Nam tinh tế ra sao… Nhưng, những sách như thế của Việt Nam đang vắng bóng tại Indonesia.

Câu chuyện của những người bạn đến từ Indonesia đã khiến không ít người đến từ các đơn vị xuất bản và Hiệp hội xuất bản Việt Nam ngạc nhiên và… mơ ước. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng thì “mỗi nhà mỗi cảnh”. Muốn phát triển và hiện thực hóa giấc mơ “xuất ngoại” cho sách, các đơn vị làm sách rất khó và cũng không nên chỉ trông chờ vào bầu sữa ngân sách…

Riêng câu chuyện về phát triển văn hóa của dân tộc, quốc gia lồng ghép trong phát triển xuất bản, xuất khẩu sách của nước bạn, hầu hết những người làm sách có mặt trong buổi giao lưu đều cho rằng, đây là khoảng trống đáng tiếc mà những người làm sách nói riêng, Việt Nam nói chung chưa thực sự đầu tư nhiều như cần thiết trong các sự kiện quảng bá, giới thiệu sách.

N.Nguyễn
.
.
.