Đại phẫu tim cho bé gái 2 ngày tuổi thành công

Thứ Ba, 20/08/2019, 16:31

Số người tham gia trong ê kíp lên tới 20 người, thời gian chạy nước rút là 8 tiếng. Họ đã làm việc miệt mài và cuối cùng ca mổ đã thành công cho bé gái 2 ngày tuổi bị bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp: chuyển vị đại động mạch, chỉ chiếm tỉ lệ 5/10.000 trẻ sinh sống.


Số người tham gia trong ê kíp lên tới 20 người, thời gian chạy nước rút là 8 tiếng. Họ đã làm việc miệt mài và cuối cùng ca mổ đã thành công cho bé gái 2 ngày tuổi bị bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp: chuyển vị đại động mạch, chỉ chiếm tỉ lệ 5/10.000 trẻ sinh sống.

Chiều 20-8, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 cho biết về ca bệnh trên. Dị tật tim mạch quái ác đã khiến bé sơ sinh bắt đầu tím tái ngay sau khi rời bụng mẹ. Với sự phối hợp với các bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh, ê kíp các bác sĩ đã phẫu thuật thành công. Cháu bé là con chị Tr., bị dị tật "chuyển vị đại động mạch" và cực kỳ nguy hiểm, được phẫu thuật tim hở gần 2 tuần trước nay đã ổn định.

Chị Tr. bế con gái đã được phẫu thuật thành công với một trái tim bình thường như bao đứa trẻ khác với lòng biết ơn các bác sĩ vô hạn.

Trước đó, sản phụ Tr. Được thông báo, con mình có một trái tim không hoàn hảo, sau ca siêu âm tim thai ở Viện Tim vào khoảng tuần thai thứ 22. Khi chị Tr. khám ở BV Phụ sản Mekong các bác sĩ cũng đã phát hiện ra các yếu tố nghi ngờ, nên yêu cầu kiểm tra thêm tại Viện Tim. Sau đó, chị Tr. quyết định chọn BV Phụ Sản Từ Dũ để theo dõi thai tiếp và BV Nhi Đồng 1 là nơi phẫu thuật cho bé.

Theo lời kể của BS Đỗ Thị Cẩm Giang và BS Nguyễn Đức Tuấn (khoa Ngoại Tim mạch – BV Nhi Đồng 1), 2 trong số các BS trực tiếp điều trị, ngay sau khi bé vừa ra đời vào ngày 6-8 tại Bệnh viện Từ Dũ, bé đã bắt đầu có hiện tượng tím tái. Bởi lẽ dị tật “chuyển vị đại động mạch” khiến 2 động mạch lớn được nối một cách lầm lẫn trong tim.

Thay vì máu đi về tim, được cung cấp oxy rồi máu giàu oxy đó vào động mạch đi nuôi cơ thể, thì sự lầm lẫn này khiến máu đi nuôi cơ thể là "máu đen" chưa được cung cấp oxy. Khi ở trong bụng mẹ, điều này chưa ảnh hưởng, vì thai nhi vẫn được cung cấp oxy từ mẹ, các cơ quan liên quan chưa cần hoạt động. Nhưng khi ra đời, nguồn cung từ mẹ bị mất mà cơ thể bé không thể tự vận hành đúng cách, bé sẽ không đủ oxy và nguy cơ sẽ tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Ngay khi phát hiện, BV Từ Dũ đã liên hệ với BV Nhi Đồng 1, bé lập tức được hỗ trợ hô hấp bằng đặt nội khí quản, thở máy, chuyển viện.

Sáng ngày 7-8, bé nặng hơn nên được thông tim bằng cách mở vách liên nhĩ để cấp cứu. Tuy nhiên đó chỉ là cách giúp bé tạm vượt qua cơn nguy kịch. Cuộc hội chẩn tại giường sáng 8-8, ê kíp hội chẩn hồi sức – gây mê – nội tim mạch – ngoại tim mạch đã quyết định mổ tim cho bé ngay 14 giờ ngày hôm đó, dù bé chưa đầy 2 ngày tuổi.

Ca mổ tim hở với 20 nhân viên y tế tham gia, kéo dài đến 22h đêm hôm đó đã thành công ngoạn mục, trả lại cho bé một trái tim bình thường.

H.Nga
.
.
.