Bệnh nhân tay chân miệng ở trẻ em Hải Phòng tăng đột biến

Thứ Hai, 21/05/2018, 17:42
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện trẻ em Hải Phòng (BVTEHP) bước vào mùa nắng nóng, số bệnh nhân tay chân miệng (TCM) ở trẻ em Hải Phòng tăng đột biến. 

Chỉ tính từ tháng 4 đến trung tuần tháng 5-2018 khoa truyền nhiễm của BVTEHP đã tiếp nhận trên 750 ca nhập viện điều trị, tăng trên 540 ca so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có nhiều ca ở thể nặng, có ca biến chứng viêm não, phải điều trị dài ngày…

THS, Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (KTN) cho biết: Bệnh TCM do virus đường ruột (EV) gây ra thường phát hiện dịch vào các tháng 4,5,6 và 10,11,12, có nhiều loại bệnh do virus này gây ra chưa có vắc-xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Hiện KTN của BVTEHP chỉ có 60 giường bệnh, những ngày gần đây phải tiếp nhận có ngày tới trên 25 ca điều trị nội trú, chưa kể số bệnh nhân (BN) ở thể nhẹ đến khám và điều trị ngoại trú...

Trước tình trạng trên, BVTEHP phải tập trung nhân lực, bố trí thêm giường bệnh, chuẩn bị đủ cơ số các loại thuốc để điều trị cho BN, cố gắng không để BN phải nằm giường ghép...

Bệnh này đa phần là thể nhẹ, thường gặp ở trẻ từ 3 đến 5 tuổi, có diễn biến trong khoảng 7 đến 10 ngày, thường thì tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng nguy hiểm và diễn biến rất nhanh, có khi chỉ trong vài giờ, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp...thậm chí tử vong. 

Mọi người và gia đình có con nhỏ cần hết sức chú ý khi trẻ có các dấu hiệu như: Sốt nhẹ, hoặc sốt cao, có tổn thương ở da (nổi đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, quanh miệng…) hoặc lòng bàn tay, chân, mông, đầu gối... Trong trường hợp phát hiện trẻ bị sốt cao liên tục, đi, đứng, ngồi không vững, run tay khi cầm vật dụng...cần đưa ngay đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời. 

Ở những trẻ bị nhẹ có thể theo dõi, điều trị tại nhà theo phương pháp hạn chế trẻ vận động, cho uống nhiều nước, ăn đồ lỏng, dễ tiêu, giảm đau hạ sốt bằng thuốc paracetamon khi trẻ sốt cao, bôi các vết loét ở tay, chân bằng thuốc xanhmethylen, không cần dùng kháng sinh. Đặc biệt lưu ý không lau trong miệng cho trẻ trong giai đoạn này vì sẽ vô tình làm các vết loét nặng hơn dễ bị bội nhiễm. 

Một điểm phải chú ý nữa là trong giai đoạn mới khởi bệnh mọi người dễ nhầm với các bệnh khác như thủy đậu, viêm da, sốt xuất huyết,viêm đường tiêu hoá, sốt virut, viêm màng não…

Để chủ động phòng ngừa dịch TCM, Trung tâm y tế dự phòng thành phố Hải Phòng khuyến cáo người dân cần chú trọng giữ vệ sinh cho các cháu nhỏ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đặc biệt với người lớn trước khi chế biến thức ăn cũng như cho trẻ ăn phải vệ sinh sạch sẽ tay... không cho trẻ ăn bốc, mút đồ chơi...đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ…

Theo dõi sức khỏe thường xuyên cho trẻ. Khi phát hiện bệnh TCM cần cách ly để điều trị, tránh lây nhiễm cho các trẻ khác. Đặc biệt đối với các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo các nhóm trẻ tập trung khi phát hiện bệnh phải đưa ngay đến các cơ sở y tế, bệnh viện khám và điều trị kịp thời. Đối với trẻ đã bị bệnh phải cách ly ít nhất 10 ngày.

Văn Thịnh
.
.
.