Một Cảnh sát biển tham gia ngăn chặn HD 981 được cứu sống nhờ ca ghép tạng lịch sử

Thứ Ba, 02/08/2016, 20:44
Hơn 21h việc lấy và ghép tạng bắt đầu. Cán bộ bác sĩ đứng xung quanh bệnh nhân và Thiếu tướng Đỗ Quyết đã nói những lời tri ân sâu sắc với người hiến tạng, rằng khi anh mất, Bệnh viện sẽ cùng gia đình mai táng anh và xin phép chuyển tạng anh để cứu sống người đang chờ đợi.


Chiều tối ngày 2-8, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm các bệnh binh của ca ghép đa tạng đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 103. Trong số các bệnh nhân được ghép, có một cảnh sát biển từng tham gia bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa trong sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam 5-2014.

Theo Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, từ năm 1992, Bệnh viện Quân y 103 đã tiến hành ca ghép thận đầu tiên. Với kinh nghiệm lâu năm về phẫu thuật ghép tạng, Bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 300 ca ghép tạng, gồm cả ghép tim, gan và thận. 

Ca ghép đa tạng ngày 27-7 từ người cho chết não tại Bệnh viện Quân Y 103.

Nhưng ca ghép đa tạng này không chỉ là lần đầu ở Bệnh viện, mà còn cùng lúc, được ghép ở 2 nơi: 3 tạng được ghép tại Bệnh viện Quân y 103 và một tạng được ghép Bệnh viện Việt Đức. Sau những giờ phút khẩn trương, mặc dù gặp những khó khăn bất ngờ, nhưng cả 4 ca ghép đều thành công.

Thiếu tướng Đỗ Quyết đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế diễn biến của ca ghép đa tạng. Theo đó, sáng 27-7, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam T.K.B, 31 tuổi, bị tai nạn rơi từ trên cao xuống đất trong tình trạng hôn mê sâu, dập phổi, máu tụ màng cứng sọ não, lan tỏa 2 bán cầu não, gãy xương quai phải. 

Bệnh nhân đã được các bác sĩ tập trung các phương pháp cấp cứu, làm các xét nghiệm, nhưng do tình trạng đa chấn thương rất nặng nên bệnh nhân có dấu hiệu mất não. 

Các bác sĩ lập tức báo cáo Ban vận động hiến tạng và thuyết phục gia đình nạn nhân hiến tạng cho những người bệnh đang cần được cứu chữa. Người mẹ dù trong nỗi đau mất con, vẫn đồng ý hiến tạng khi biết rằng, rồi đây, một phần cơ thể của đứa con thân yêu vẫn tiếp tục sống trong người khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm các bệnh binh được ghép tạng

Ngay lập tức, các ekip ghép tạng của Bệnh viện Quân y 103 được khởi động. Thiếu tướng Đỗ Quyết cho hội chẩn liên khoa. Cuộc hội chẩn rất căng thẳng vì không xác định được thời điểm nạn nhân ngã, nên không xác định được thời gian hôn mê sâu, hơn nữa, trong quá trình cấp cứu, bác sĩ đã dùng thuốc co mạch nên sợ sẽ ảnh hưởng tới tạng. Thậm chí, lo có thể không lấy được tạng, dù bệnh nhân ghép đã chuẩn bị.

Với kinh nghiệm đã có, các chuyên gia đánh giá khả năng của các tạng, rồi liệt kê danh sách bệnh nhân chờ và cho tiến hành xét nghiệm. Danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng rất đông, nhưng có 3 người hòa hợp các chỉ số với người hiến và đều là các chiến sĩ trong quân đội, trong đó có một nữ. Người được ghép tim (36 tuổi) bị bệnh cơ tim thể xốp, suy độ IV, đã có chỉ định ghép tim. 

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh binh được ghép tạng

Hai bệnh nhân được nhận thận đều gần 50 tuổi, bị suy thận nhiều năm, đã có chỉ định ghép thận. Nhà bệnh nhân cần ghép gan lại ở quá xa, không thể tới trong ngày để kịp được ghép, trong khi tại Bệnh viện Việt Đức đang có bệnh nhân bị suy gan, lại có các chỉ số phù hợp với người hiến, nên lá gan nhanh chóng được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để tiến hành ghép tại đây.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch -Lồng ngực của Bệnh viện Việt Đức, người đã ghép tim thành công cho nhiều trường hợp, trong đó có trường hợp vận chuyển tạng từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội tháng 9-2015, đã được mời phối hợp ghép tim. 

Khác với những ca ghép tim trước đây, đây là lần đầu tiên PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước ghép tim của người cho có dị tật bẩm sinh. Tim của bệnh nhân lại có hai tĩnh mạch chủ trên, trong khi người bình thường chỉ có một tĩnh mạch chủ trên.

Thiếu tướng, GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 báo cáo diễn viên các ca ghép tạng

Ca ghép còn khó khăn nữa là tim của bệnh nhân được ghép bị viêm cơ tim thể xốp, tim bị suy lâu ngày nên giãn to, tạo nên hố chứa trong lồng ngực lớn, khiến cho khi đưa quả tim được ghép vào thì gần như lọt thỏm.

Tất cả những khó khăn này đều đặt ra những thử thách, đòi hỏi tay nghề cao của các bác sĩ để xử lý vừa chính xác, lại vừa nhanh chóng. Với kinh nghiệm của người đã thành công trong những ca ghép tạng vô cùng khó khăn, PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước đã cùng ekip xử lý rất nhanh, để ghép tim thành công.

5h sáng, các ca ghép hoàn thành. Trái tim ghép đã dần đập trong lồng ngực người bệnh. Còn với ca ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức, lá gan của người hiến lớn hơn bình thường nên sau khi ghép, việc đóng lại có khó khăn, nhưng các phẫu thuật viên đã xử lý rất tốt.

Bộ trưởng Bộ Y tế chúc mừng các bác sĩ BV Quân y 103 đã ghép đa tạng thành công

Thiếu tướng Đỗ Quyết cũng cho biết: Sau khi ghép, sức khỏe cả 4 bệnh nhân đều tiến triển tốt. Một ngày sau, 28-7, bệnh nhân ghép tim đã được rút ống nội khí quản và nói chuyện được. 

Cả 2 bệnh nhân ghép thận cũng đều có nước tiểu sau khi ghép vài tiếng. Bệnh nhân ghép gan cũng rất khả quan sau ca ghép. Sau một tuần được ghép tạng các bệnh nhân đều chuyển biến tốt. Dự kiến, chỉ 2-3 tuần sau ghép là các bệnh nhân sẽ được xuất viện.

Thành công của việc ghép đa tạng tại Bệnh viện Quân y 103 có ý nghĩa rất quan trọng, khi đã ghi thêm một dấu ấn mới trong lĩnh vực ghép tạng của y học Việt Nam, khẳng định trình độ, tay nghề của các bác sĩ Việt Nam, đồng thời, cũng cho thấy, sự phối hợp ăn ý, hiệu quả giữa quân y và dân y để cứu sống bệnh nhân.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao nghĩa cử của gia đình người hiến tạng, khi giữa lúc đau thương vẫn nghĩ tới sự sống của những người bệnh đang khắc khoải chờ ghép, nhờ đó mà đã có 4 người được cứu sống.

Thanh Hằng
.
.
.