Tháng 9 sẽ công bố kết quả bước đầu về chất lượng thủy sản

Thứ Năm, 25/08/2016, 18:52
Bộ Y tế cũng cho rằng, kể cả khi môi trường biển đã an toàn, vẫn phải tiếp tục theo dõi thuỷ hải sản cho đến khi có kết quả quan trắc đầy đủ. Vì có những mẫu thời kỳ này phenol giảm đi nhiều hoặc không xuất hiện nhưng sau này có thể lại xuất hiện. 


Ngay sau khi Cục An toàn thực phẩm (ATTP-Bộ Y tế) khẳng định kết quả kiệm nghiệm mẫu cá lấy cuối tháng 7-2016 cho thấy chỉ còn 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng, chiếm 5,5%, thì tối 24-8 trên mạng xã hội đã xuất hiện một kết quả khác của Viện Kiểm nghiệm ATTP quốc gia với 8/9 mẫu cá, ghẹ nhiễm phenol, xyanua.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, không có sự mâu thuẫn giữa những kết quả mà Bộ Y tế đã công bố. Trước đó, kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia gửi Bộ Y tế cho thấy trong các mẫu cá ở vùng biển Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã phát hiện 5 mẫu có xyanua, 3 mẫu có phenol. Lượng phenol được phát hiện trong mẫu cá lần này cao hơn nhiều so với mức được phát hiện trong 20 tấn cá nục đông lạnh tại Quảng Trị hồi tháng 6-2016.

Vì kết quả xét nghiệm có sự khác nhau là do lấy mẫu ở các thời điểm và vùng biển khác nhau. Mẫu cá tháng 4 và 5-2016 công bố là các mẫu thủy sản khai thác ở ngoài khơi, còn mẫu cá lấy trong tháng 7, 8 là cả ngoài khơi và gần bờ, trong đó 7/27 mẫu vượt ngưỡng về kim loại nặng.

Hơn nữa, cũng theo ông Phong, phenol và xyanua không phải là chất nằm trong quy định về ATTP và Bộ Y tế chỉ kiểm tra hàm lượng các chất được quy định như hàm lượng kim loại nặng: “Tôi khẳng định, trong các chỉ tiêu xét nghiệm hải sản để đánh giá ATTP, chủ yếu là về các kim loại nặng chứ xyanua, phenol không phải chỉ số đánh giá về ATTP. 

Cá biển ở miền Trung vẫn cần kiểm nghiệm về độ an toàn

Tuy nhiên khi kiểm nghiệm, các chỉ tiêu này được đưa ra nhằm mục đích quan trắc, tham khảo, đánh giá môi trường biển, chứ không phải chỉ số chốt lại kết luận về ATTP. Cái đó chỉ là gợi ý để xác định ô nhiễm biển mà thôi.” - Ông Phong cho hay. Vì thế, không thể căn cứ kết quả phát hiện phenol, xyanua để nói hải sản không an toàn. Ngay cả WHO và FAO đều khẳng định thế giới không có quy định về phenol.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho rằng, kể cả khi môi trường biển đã an toàn, vẫn phải tiếp tục theo dõi thuỷ hải sản cho đến khi có kết quả quan trắc đầy đủ. Vì có những mẫu thời kỳ này phenol giảm đi nhiều hoặc không xuất hiện nhưng sau này có thể lại xuất hiện. Nước biển đạt quy chuẩn để tắm nhưng chưa chắc thủy hải sản đã an toàn. Về nguyên tắc, đã là vùng biển có sự cố, khi sự cố chưa được khắc phục triệt để thì thủy hải sản ở vùng đó không nên sử dụng. Điều này giống như một cơ sở không đủ điều kiện về ATVSTP thì làm sao có thể sản xuất ra thực phẩm an toàn...

Đại diện Cục ATTP khẳng định Bộ Y tế chịu trách nhiệm làm rõ và trả lời cho người dân về việc khi nào ăn được cá vùng biển miền Trung. Vì thế, Cục ATTP đã chỉ đạo các Chi cục ATVSTP các tỉnh tiếp tục lấy các mẫu hải sản ở các cảng cá, chợ, đầm nuôi… để có đánh giá toàn diện. 

Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng khoa học để đánh giá và sẽ công bố kết quả bước đầu về chất lượng thủy sản vào đầu tháng 9 với 1uận điểm của Bộ Y tế là sức khỏe người dân là ưu tiên số một. 

Thanh Hằng
.
.
.