Minh bạch nguồn gốc thực phẩm để tạo lòng tin với người tiêu dùng

Thứ Tư, 15/06/2016, 13:58
Nhiều người cố gắng làm thực phẩm sạch trở thành đơn lẻ giữa vòng xoáy thực phẩm bẩn và dễ dừng lại nếu không có thị trường làm động lực.


Minh bạch thực phẩm an toàn là đòi hỏi cần thiết không chỉ cho người tiêu dùng, mà cho cả doanh nghiệp, nếu muốn phát triển. Điều này đã được khẳng định tại hội thảo “Thực phẩm an toàn cần minh bạch” do Hiệp hội thực phẩm minh bạch và CLB phóng viên đồng hành cùng thực phẩm sạch tổ chức tại Hà Nội ngày 15-6.

Các đại biểu đều cho rằng, cần minh bạch nguồn gốc thực phẩm

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh (Hiệp hội Thực phẩm minh bạch) cho rằng, thực phẩm bẩn có tác động như một vòng xoáy, đang cuốn cả người tiêu dùng, truyền thông và nhà sản xuất vào. Nếu không tìm cách vượt lên thì nó sẽ cuốn mãi và chúng ta phải luôn sống trong sự lo âu về sức khỏe và chính những người sản xuất cũng phải gánh chịu v những gì họ đã làm như dùng thuốc sâu, chất cấm.

Theo số liệu của Cục Xúc tiến (Bộ Công thương), hiện tiêu dùng thực phẩm ở Việt Nam đạt 29,5 tỷ đồng/năm và bình quân tiêu dùng thực phẩm là khoảng 4 triệu đồng. Cục trồng trọt của Bộ NN&PTNT cho biết có 1585 cơ sở đạt GAP và theo Cục ATTP (Bộ Y tế) thì có 1817 công ty đạt tiêu chuẩn ATTP.

Dù có nhiều nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, nhưng khảo sát mới nhất đã chỉ ra, người tiêu dùng không mấy tin tưởng vào an toàn của thực phẩm. Vì thế, khi xảy ra một vấn đề, như cá chết ở miền Trung, là người tiêu dùng tẩy chay toàn bộ. Nỗi sợ hãi quá mức của người tiêu dùng càng khiến cho các nhà sản xuất thêm khó khăn.

Người tiêu dùng không có lòng tin vào thực phẩm bởi nhiều lý do. Có đơn vị, sản phẩm đã được chứng nhận an toàn, nhưng lại đưa sản phẩm không được chứng nhận vào. Việc kiểm tra, cấp giấy phép theo kiểu “ăn tiền” không chỉ làm khổ doanh nghiệp mà còn làm người tiêu dùng mất lòng tin vào qui trình kiểm tra. Vụ kiểm tra thịt lợn của đơn vị kiểm dịch ở Hà Nội mà VTV đưa những ngày qua là một ví dụ.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết thêm, các nhà sản xuất chè sạch ở Bảo Lộc (Đà Lạt) than thở không muốn làm nữa, vì đối tác thu mua các loại chè ở Đà Lạt một giá như nhau, nên không khuyến khích nhà sản xuất. Có người khởi nghiệp đã rất cố gắng nhưng cũng phải “chùn bước” vì thấy người tiêu dùng dường như không quan tâm đến việc thực phẩm có sạch hay không.

Những sản phẩm minh bạch nguồn gốc sẽ tạo được lòng tin của người dùng 

Ông Nguyễn Thanh Quang, một chủ trang trại lợn sạch ở Ba Vì đã phải ngán ngẩm kêu than lỗ khi người dùng không muốn mua thịt lợn sạch vì giá cao, ông đem bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao hơn thị trường Việt Nam, mà vẫn không vui vì không đạt được mục đích “sạch hóa” thực phẩm cho quê hương. 

Nhiều người cố gắng làm thực phẩm sạch trở thành đơn lẻ giữa vòng xoáy thực phẩm bẩn và dễ dừng lại nếu không có thị trường làm động lực. Vì thế, tiêu chuẩn GAP phải là 63 tiêu chí, Bộ NN&PTNT phải hạ còn 19 tiêu chuẩn, nhưng nhiều nhà sản xuất vẫn không mặn mà.

Kinh nghiệm của các nhà sản xuất thực phẩm Mỹ được ông Aaron James Everhart, Giám đốc Marketing HATCH Ventures cho biết: Họ đều coi trọng thương hiệu, nên luôn minh bạch nguồn gốc, để chứng minh với khách hàng rằng thực phẩm của họ rất tốt. Ở nhiều nước, các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sản phẩm của họ và cơ quan quản lý chỉ kiểm tra sản phẩm. Quy trình sản xuất từ nguyên, nhiên liệu đều phải sạch. Họ có hướng dẫn thông lệ tốt trong sản xuất thực phẩm và  mời chuyên gia tư vấn các yêu cầu cơ bản khi sản xuất thực phẩm.

Theo chuyên gia ATTP Vũ Thế Thành, vấn đề minh bạch nguồn gốc sản phẩm hiện nay rất quan trọng vì người tiêu dùng không chỉ nhìn vào hạn sử dụng như trước, mà cần biết cả nguyên liệu, nguồn gốc, công nghệ sản xuất, thông tin cảnh báo. 

Có tới gần 60% người tiêu dùng đi tìm yếu tố minh bạch khi sử dụng sản phẩm, do hiểu biết về ATTP nhiều hơn, khiến nhu cầu minh bạch thực phẩm tăng lên. Hiện nhiều nhà sản xuất không minh bạch nguồn gốc sản phẩm, như không dám khai nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, hoặc có minh bạch nhưng lại đối phó, hoặc minh bạch kiểu lập lờ,  huy động nhân viên đối phó.

Ông Vũ Thế Thành nhấn mạnh: Chỉ cần minh bạch ít cũng được nhưng phải là sự thật. Rồi dần dần, do yêu cầu của người tiêu dùng doanh nghiệp sẽ phải nâng cấp mức độ minh bạch. Nếu minh bạch mà giả dối sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay từ đầu.

Các đại biểu đều thống nhất qua điểm rằng, thực phẩm bẩn ảnh hưởng rất lớn đến cả các doanh nghiệp minh bạch thực phẩm an toàn. Do đó, các nhà sản xuất cần liên kết lại để đưa ra các sản phẩm an toàn. 

Điều này không chỉ giúp giải quyết hiệu quả vấn đề an toàn vệ sinh, mà còn giúp khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. 

Thanh Hằng
.
.
.