Từ 1-1-2016 thông tuyến khám chữa bệnh BHYT:

Người bệnh có nhiều quyền lựa chọn hơn

Thứ Ba, 22/12/2015, 08:47
Chỉ còn vài ngày nữa, việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) thuộc tuyến xã, tuyến huyện ở tỉnh theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ chính thức có hiệu lực.

Cùng ngày 1-1-2016, Thông tư 40 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT cũng được thực thi. Với những quy định mới này, người dân khi đi KCB sẽ có nhiều quyền lợi hơn, khi được lựa chọn nơi KCB, đồng thời, cũng mở ra sự thay đổi căn bản về chất lượng dịch vụ y tế ở các bệnh viện công – nơi vốn bị phàn nàn nhiều. Tuy nhiên, người dân cũng cần hiểu đúng về việc chuyển tuyến để đảm bảo được BHYT chi trả, tránh thiệt thòi.

Theo TS. Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), Thông tư 40 quy định các cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu được xác định theo các tuyến trong hệ thống cơ sở KCB của Nhà nước và tương đương. Người có thẻ BHYT được chuyển tuyến KCB theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở KCB. 

Theo đó, các trường hợp được xác định đúng tuyến KCB BHYT là những người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.

Người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện (gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, nếu bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền). Người có thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện (gồm cả bệnh viện  đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh) chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn.

Thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, người bệnh có nhiều quyền lợi hơn.

Riêng trong trường hợp cấp cứu, người bệnh được đến bất kỳ cơ sở KCB nào, không phải chỉ ở nơi đăng ký KCB ban đầu. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án. Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở KCB nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh, hoặc được chuyển đến cơ sở KCB khác, để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn, hoặc được chuyển về nơi đăng ký KCB ban đầu, sau khi đã điều trị ổn định.

Đặc biệt, việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi còn mang đến cho người dân cả quyền lợi về kinh tế.  Trước đây, ở bệnh viện tuyến huyện, người dân đi KCB không đúng tuyến chỉ được BHYT thanh toán 70% chi phí, nhưng nay những người KCB trong cùng địa bàn tỉnh sẽ được thanh toán 100% chi phí. 

Đến ngày 1-1-2021, việc thông tuyến KCB BHYT sẽ được triển khai đối với các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi cả nước, nên đó cũng sẽ là thời điểm quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng cho người tham gia BHYT khi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước. Theo Ths. Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT thì quy định này tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người tham gia BHYT được tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Với việc thông tuyến KCB từ 1-1-2016 và quy định mới về giá dịch vụ y tế sẽ được triển khai trong quý I-2016, người bệnh có nhiều cơ hội chọn lựa khi đi KCB. Do đó, các bệnh viện sẽ phải không ngừng nâng cao chất lượng mới có thể thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị. 

Bởi vậy, ngay từ năm 2016, các cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương buộc phải cạnh tranh, nếu không sẽ không có bệnh nhân và cán bộ y tế sẽ không có thu thập. Một số cơ sở y tế còn chưa nhiệt tình trong việc xếp hạng tới đây sẽ phải vào cuộc, thay đổi tư duy, đầu tư nhiều hơn về mọi mặt để nâng cao chất lượng KCB.

Bộ Y tế hy vọng, với những thay đổi về chính sách sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ, buộc các cơ sở y tế phải năng động hơn, sáng tạo hơn để cải tiến việc phục vụ người bệnh, đặc biệt là tinh thần thái độ ứng xử văn minh với người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Người bệnh được chuyển tiếp đến cơ sở KCB khác chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi. Khi người bệnh đến cơ sở KCB không phải là cơ sở KCB BHYT ban đầu, sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở KCB thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi.

Với những người có thẻ BHYT mắc các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp theo quy định tại Thông tư 40 thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-12 năm đó. Đến hết năm đó người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng hết đợt điều trị nội trú đó. Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KCB tại cơ sở KCB trên địa phương đó tương đương với tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở KCB khác có tổ chức KCB BHYT ban đầu.

Cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu phải có giấy phép hoạt động KCB; người hành nghề KCB phải có chứng chỉ hành nghề. Cơ sở KCB BHYT thuộc tuyến xã và tương đương nếu chưa có giấy phép hoạt động KCB thì phải có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu KCB thông thường và xử trí cấp cứu ban đầu, cung ứng, cấp phát thuốc vv... Phòng khám bác sĩ tư nhân độc lập phải có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Phòng khám đa khoa phải có ít nhất 2 chuyên khoa nội và ngoại; phòng khám đa khoa có KCB cho trẻ em, ngoài 2 chuyên khoa trên, phải có chuyên khoa nhi.
Thanh Hằng
.
.
.