Nhiễm khuẩn bệnh viện –hiểm họa khôn lường

Thứ Ba, 03/04/2018, 17:45

Vụ 4 trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh tháng 11-2017 là một ví dụ điển hình về hậu quả đau lòng do nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV). Trước đó, trong số gần 150 trẻ tử vong vì sởi ở BV Nhi Trung ương cũng có nhiều cháu do bị lây chéo trong quá trình điều trị ở BV.



Không chỉ ở Việt Nam, mỗi năm, NKBV khiến hàng triệu người tử vong trên thế giới, chưa kể làm tăng hàng chục triệu ngày nằm viện và làm tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh. Tỷ lệ NKBV ở các nước dao động từ 3,5% - 12%. Ở Việt Nam, tỷ lệ NKBV là 5,8% nhưng vấn đề này chưa được coi trọng. Riêng ở Mỹ, NKBV gây ra 99.000 ca tử vong/năm. NKBV đang là một thách thức rất lớn khi làm tăng gánh nặng bệnh tật cho người bệnh; kéo dài thời gian nằm viện, gây tàn tật lâu dài, tử vong, làm giảm uy tín và lòng tin của người dân với cơ sở y tế.

Hiện vẫn chưa có số liệu quốc gia về NKBV trong khi các nghiên cứu về NKBV còn rất hạn chế. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế thì các loại NKBV có tỉ lệ gặp cao là nhiễm khuẩn viêm phổi liên quan đến thở máy, nhiễm khuẩn đường niệu liên quan đến ống thông tiểu, do phẫu thuật. Thời gian nằm viện do NKBV từ  5 - 21 ngày. Tỷ lệ NKBV ở các BV tuyến trung ương cao hơn các tuyến dưới. Đặc biệt, các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị chiếm khoảng 50% đến 75%.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) vẫn còn nhiều thách thức, một số người đứng đầu cơ sở y tế chưa hiểu hết tầm quan trọng của công tác KSNK, dẫn đến việc đầu tư và định hướng hoạt động KSNK chưa phù hợp và hiệu quả. Các BV chưa thực hiện đầy đủ về giám sát NKBV, chưa thực hiện báo cáo số liệu NKBV thường qui. Hiểu biết về KSNK chưa đúng nên công tác KSNK tại các BV tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải, mà chưa chú trọng vào công tác giám sát, bao gồm giám sát tuân thủ thực hành KSNK và giám sát tỉ lệ nhiễm khuẩn- trong khi đây mới là nhiệm vụ trọng tâm của KSNK tại BV, nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm bệnh cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

NKBV càng đặc biệt quan trọng khi thực hiện các kỹ thuật cao trong điều trị

Đặc biệt, hệ thống tổ chức KSNK tại các cơ sở KCB chưa hoàn thiện theo quy định. Đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát NKBV chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách. Nguồn lực cho KSNK còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác KSNK tại nhiều bệnh viện (BV) chưa được đầu tư đúng mức, chi phí cho KSNK chưa được chi đúng, chi đủ.

“Cả nước còn tới 16,2% số BV có trên 150 giường bệnh chưa thành lập khoa KSNK; 26,3% số BV đã thành lập khoa KSNK nhưng chưa bổ nhiệm Trưởng khoa KSNK; 24,1% lãnh đạo khoa/tổ KSNK không được đào tạo từ ngành y, hoặc có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ học. Hệ thống quản lý KSNK còn chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong việc triển khai, điều hành các hoạt động KSNK” - Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho hay.

Bên cạnh đó, các trường khối ngành sức khỏe chưa có chuyên ngành đào tạo KSNK và vẫn thiếu chương trình đào tạo KSNK chuyên sâu. Một số trường y, BV có chương trình đạo tạo định hướng KSNK, nhưng chưa thống nhất toàn quốc. Nhiều nhân viên BV chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của vệ sinh tay trong chăm sóc,  điều trị nên chưa có thói quen sử dụng găng tay trong các thủ thuật, kỹ thuật thông thường. Các cơ sở y tế còn  thiếu phương tiện vệ sinh tay (bồn, chậu, dung dịch vệ sinh tay) cũng như thiếu đội ngũ giám sát NKBV và chưa sử dụng kết quả giám sát tuân thủ trong cải thiện chất lượng chăm sóc, điều trị.

Nơi rửa dụng cụ và giặt là của nhiều BV không đảm bảo vệ sinh

Mà việc thực hiện không tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch trong bệnh viện (BV) và cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh đã và đang xuất hiện nhiều bệnh dịch mới và các vi khuẩn đa kháng, siêu kháng với thuốc kháng sinh. Việc thực hiện không tốt công tác KSNK làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh dịch trong BV và cộng đồng, nhất là trong bối cảnh hiện nay xuất hiện nhiều tác nhân gây dịch mới và các vi khuẩn đa kháng, siêu kháng với thuốc kháng sinh

Để khắc phục những hạn chế trên, nhằm nâng cao chất lượng KCB, giảm thiểu sự lây nhiễm trong BV, ngành y tế đã có nhiều giải pháp để nâng cao công tác KSNK. Hiện đã thực hiện giám sát ca bệnh NKBV, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình KSNK, giám sát vi sinh vật gây NKBV và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch... Bộ Y tế đã chỉ đạo hơn 200 BV ký cam kết triển khai các giải pháp tăng cường KSNK, phòng ngừa lây nhiễm bệnh trong BV với việc tăng cường giám sát tuân thủ thực hành KSNK, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly theo đúng hướng dẫn chuyên môn KSNK đã ban hành nhằm giảm thiểu tỷ lệ NKBV đến mức thấp nhất.

Thanh Hằng
.
.
.