Phát hiện thuốc Tanganil 500 nghi ngờ giả

Thứ Sáu, 27/12/2019, 20:32
Thuốc Tanganil 500mg vừa bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ra thông báo nghi ngờ thuốc giả bởi sau khi kiểm nghiệm tại nhà máy, mẫu thuốc không có hoạt chất Acetyl DL - Leucine.


Cục Quản lý Dược cũng đưa ra nhận diện mẫu thuốc thật và thuốc giả. Theo đó, mẫu thuốc giả ở phần hộp thuốc có lỗi chính tả excipients p.s. và Satch No, mẫu thuốc thật là excipients q.s và Batch No.

Ở tờ hướng dẫn thuốc nghi ngờ giả có mã số P05-TAN-01/01 (phiên bản cũ), ngày xem xét sửa đổi, cập nhật lại nội dung hướng dẫn sử dụng thuốc: 06.02.2017, ĐT: 061 383 6770- Fax: 061.383 6570.

Thuốc giả có màu nhạt, chữ nhòe, không rõ nét như thuốc thật.

Ở thuốc thật là mã số: P05-TAN-01/02 (phiên bản mới), ngày xem xét sửa đổi, cập nhật lại nội dung hướng dẫn sử dụng thuốc: 23.05.2019, ĐT: 0251 3836770 - Fax: 02513836570.

Vỉ thuốc có thông tin sản xuất bởi: Pierre Fabre Medicament Production Pháp còn ở mẫu thuốc thật sản xuất bởi: Pierre Fabre Medicament Production- Pháp. Về kiểm nghiệm ở mẫu thuốc giả về định tính không có Acetyl DL Leucine ở mẫu thuốc thật về định tính có Acetyl DL Leucine.

Để đảm bảo sức khỏe cũng như quyền lợi pháp của người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các DN kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn không được buôn bán, sử dụng Tanganil 500mg nghi ngờ thuốc giả; tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; rà soát hoạt động của cơ sở, nếu phát hiện thấy thuốc có thông tin như đã nêu, khẩn trương thông báo về Thanh tra Sở Y tế để có biện pháp xử lý.

Sở Y tế đề nghị phòng y tế quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không được buôn bán, sử dụng thuốc Tanganil 500mg nghi ngờ giả nêu trên; tiếp nhận thông tin từ cơ sở, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cơ sở (nếu có).

Tanganil là thuốc thuộc nhóm thuốc thần kinh điều trị tất cả các cơn chóng mặt do mọi nguyên nhân, từ nặng đến nhẹ với hoạt chất là Acetyl DL leucine ở dạng viên nén có hàm lượng 500mg và thuốc ở dạng ống tiêm. 

Thời gian qua, trên thị trường đã phát hiện nhiều loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu. Cục Quản lý Dược liên tục ra thông báo thu hồi trên toàn quốc nhiều loại thuốc kém chất lượng. Hậu quả của người bệnh khi dùng thuốc giả thật khôn lường. Các bệnh nhân có thể gặp tác dụng có hại không mong muốn, phản ứng dị ứng hoặc làm tồi tệ hơn tình trạng bệnh tật. Một số thuốc giả không chứa bất kì thành phần có hoạt tính, do đó không cung cấp lợi ích khi điều trị cho bệnh nhân. Thuốc giả có thể chứa thành phần không đúng, hàm lượng không phù hợp hoặc có thể chứa các thành phần có hại.

Thuốc giả rất khó phát hiện, vì vậy rất khó để biết, thậm chí là ước lượng tần suất thuốc giả trên thế giới. Điều có thể biết là thuốc giả có thể gặp phải trên khắp thế giới và phổ biến hơn ở những nước đang phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước lượng tỷ lệ này là dưới 1% ở nước phát triển và cao hơn nhiều ở một số nước đang phát triển.

 Cục quản lý dược thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan đến thuốc giả/thuốc kém chất lượng và thuốc không còn số đăng ký tại Việt Nam và các cán bộ y tế nên thường xuyên cập nhật thông tin này.

Cán bộ y tế cũng nên nghi ngờ khi một bệnh nhân có thể đang dùng thuốc giả nếu bệnh nhân phàn nàn là tình trạng sức khỏe xấu đi mà không thể giải thích được hoặc gặp tác dụng có hại không mong muốn; hoặc nếu bệnh nhân báo là thuốc có vị hay nhìn có vẻ khác biệt, hoặc nếu viên thuốc bị vỡ hoặc nứt, hoặc nếu bệnh nhân cảm thấy nóng ở chỗ chích thuốc tiêm, các thuốc này có thể nghi ngờ bị giả. Hoặc khi có bất thường về bao gói hoặc nhãn mác nên được báo cho Cục quản lý dược hay nhà sản xuất ngay lập tức.

Để bảo vệ mình khỏi thuốc giả, người tiêu dùng nên mua thuốc theo toa từ các nhà thuốc đã được cấp giấy phép hoạt động. Người tiêu dùng phải thận trọng khi kiểm tra các loại thuốc của mình, chú ý khi bao gói bị thay đổi hoặc đã bị mở. Bấy kì sự khác biệt về bề ngoài, mùi vị của sản phẩm, và gặp các phản ứng phụ không mong muốn gợi ý bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khoẻ.

Minh Thư
.
.
.