Nhiều người bị kiến ba khoang tấn công

Thứ Năm, 09/07/2020, 17:47
Tuần qua, Bệnh viện (BV) Da liễu TP Hồ Chí Minh cho hay, mỗi ngày Bệnh viện này tiếp nhận từ 80-100 ca viêm da do tiếp xúc dịch tiết của kiến ba khoang.


BV Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết nếu như những tháng trước đây, số người đến khám do viêm da tiếp xúc côn trùng rất hiếm thì từ tháng 6 trở đi, con số này tăng đột biến. 

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Da liễu, bệnh nhân thường đến khám với tình trạng da có nổi sẩn, nổi hồng ban hoặc có chùm mụn nước nhỏ trên da. 

Đa phần bệnh nhân được cho thuốc dị ứng và thuốc thoa tại chỗ, có tác dụng làm dịu da và kháng khuẩn. Một số trường hợp vết thương lan rộng và hở ra, có nguy cơ nhiễm trùng nên được cho thuốc uống và kết hợp chăm sóc tại chỗ cho vết thương mau lành.

Tuy nhiên, ở một số cơ địa suy giảm hệ miễn dịch, vết thương bị nhiễm trùng sẽ lâu lành hơn. Một số người có cơ địa đặc biệt nhạy cảm, chỉ cần bị kích thích nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng nặng toàn thân.

Trao đổi thêm về tình trạng kích ứng do kiến ba khoang gây ra, ThS BS. Tạ Quốc Hưng- Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cung cấp khá nhiều thông tin đáng chú ý.

Một bệnh nhân bị kiến ba khoang “tấn công” ngay vùng mặt phải nhập viện Da liễu TP Hồ Chí Minh

Người dân bị kiến ba khoang tấn công tới khám tại BV Da liễu TP Hồ Chí Minh.

Viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang là một dạng viêm da khá phổ biến, bên cạnh các chứng viêm da thường gặp như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, viêm da dầu… Dạng viêm da này xuất hiện theo mùa và gây không ít hoang mang cho cộng đồng từ hơn 10 năm qua. Tuy không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng viêm da tiếp xúc kích ứng do kiến ba khoang lại gây khó chịu, lo lắng và có thể bùng phát thành “dịch” tại một khu vực.

Hình ảnh kiến ba khoang

Các dạng ban đỏ trông rất nghiêm trọng do tự tiếp xúc thứ phát (vùng gập khớp khi vận động).

Theo bác sĩ Tạ Quốc Hưng, phòng bệnh bằng tránh tiếp xúc với kiến ba khoang, tránh đập nát chúng mà dùng giấy gói lại rồi vứt đi. Vùng tiếp xúc ngay lập tức phải được rửa bằng xà phòng êm dịu da và nước. Quần áo, khẩu trang, khăn trải giường… đã bị tiếp xúc với kiến cần được giặt thật kỹ. Nên đóng kín cửa sổ, cửa ra vào các phòng làm việc và phòng ngủ vào ban đêm. Khi bị kiến ba khoang tấn công gây bệnh nên đến cơ sở y tế để được điều trị đúng hướng và kịp thời.

Tại Việt Nam, kiến ba khoang còn được gọi là kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, kiến cong… bởi vì nó có các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Khi trưởng thành kiến ba khoang dài khoảng 7 mm đến 10 mm và rộng 0,5 mm đến 1 mm. 

Nó có 3 cặp chân, 2 đôi cánh, với một đôi cánh dài mỏng trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới một đôi cánh cứng và ngắn. Chính vì thế chúng có thể bay và chạy rất nhanh.

Kiến ba khoang sống trong môi trường ẩm ướt nhất là vào mùa mưa với khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển, dân số kiến ba khoang bùng phát. Chúng rất ưa ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn… nếu cửa nhà mở.

Độc tố trong kiến ba khoang rất mạnh. Nếu người tiếp xúc với chất gây độc của kiến ba khoang qua tuần hoàn không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến những biến chứng nặng. Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hay bị giết, chúng giải phóng một dịch lỏng gây phồng rộp da rất mạnh. Gây ra phản ứng viêm da khoảng 12 - 24 giờ sau khi tiếp xúc.

Trường hợp tiếp xúc nhẹ, có thể xuất hiện một ban đỏ nhỏ trong một vài ngày. Có hình thù có thể là hình đám, hạt, mảng, vệt… Với các trường hợp tiếp xúc vừa, ban đỏ tiến triển thành mụn nước - mụn mủ hoặc bọng nước trong vài ngày. 

Sau một tuần là giai đoạn đóng vảy mịn - dính trên bề mặt thương tổn da sau khi mụn nước - mụn mủ khô. Kế đến là giai đoạn vảy bong tróc, để lại các “vệt” da đỏ, tăng hoặc giảm sắc tố. Nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, ngoài việc xuất hiện các mảng phồng rộp rộng hơn, có thể có thêm các triệu chứng như sốt, đau rát thần kinh, đau khớp và nôn…


H.Nga
.
.
.