TP Hồ Chí Minh chạy đua với thời gian để dập dịch

Thứ Năm, 15/07/2021, 08:53
TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 40 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, và 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ... Cả hệ thống chính trị, toàn bộ người dân đang nỗ lực tối đa để nhanh chóng dập dịch. 


Tuy vậy, so với thời gian đầu, những ngày gần đây TP Hồ Chí Minh đã có những thay đổi phương cách phòng, chống dịch COVID-19 để sát tình hình thực tế, nhằm kéo giảm số ca nhiễm cũng như ổn định cuộc sống người dân.

Thay đổi phương cách phòng, chống dịch sát với tình hình thực tế

TP Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 40 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (riêng quận Gò Vấp và phường Thạch Lộc - quận 12 phong tỏa theo Chỉ thị 16), và 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ... Cả hệ thống chính trị, toàn bộ người dân đang nỗ lực tối đa để nhanh chóng dập dịch. Tuy vậy, so với thời gian đầu, những ngày gần đây TP Hồ Chí Minh đã có những thay đổi phương cách phòng, chống dịch COVID-19 để sát tình hình thực tế, nhằm kéo giảm số ca nhiễm cũng như ổn định cuộc sống người dân.

Tính từ 18h ngày 13/7 đến trưa 14/7, TP Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 971 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến tối 13/7, thành phố đã có hơn 17.200 trường hợp mắc COVID-19. Số ca bệnh liên tục tăng cao ở mức 4 con số đang tạo áp lực rất lớn cho nguồn lực và vật lực điều trị đang quá tải.

TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân.

Theo nhận định của các chuyên gia thì thời gian qua công tác tổ chức phòng, chống dịch của TP Hồ Chí Minh chưa được suôn sẻ, có sự bất cập ở không ít khâu. Điều này minh chứng qua các hình ảnh người dân chen nhau lấy mẫu và nhận kết quả ở chợ đầu mối Bình Điền, cảnh người dân chen nhau đi tiêm vaccine ở sân vận động Phú Thọ, cảnh hàng trăm F0 phải tập trung chờ nhập viện vào các bệnh viện dã chiến vì thiếu chỗ, cảnh đám đông xếp hàng dài chờ xét giấy chứng nhận test COVID-19 âm tính… Do đó, TP Hồ Chí Minh đã có những sự thay đổi cần thiết và sát thực.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn vào ngày 12/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đến ngày 12/7, thành phố đã sử dụng hết 3 ngày giãn cách, đã xuất hiện những phát sinh và đã được giải quyết, vì vậy thành phố cần xác định rõ thời gian còn lại làm gì để tận dụng hiệu quả thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Để trả lời cho câu hỏi đặt ra từ phía lãnh đạo Chính phủ, vào chiều 13/7, tại cuộc họp báo thông tin về thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, dự báo thời gian sau 15 ngày giãn cách xã hội sẽ có 3 tình huống. Thứ nhất là thành phố kiểm soát được dịch COVID-19, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện Chỉ thị 16, có thể là Chỉ thị 16 hay Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19. Tình huống thứ 2 là chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục Chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện Chỉ thị 16+ ở một số địa bàn. Tình huống 3 là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát; thành phố phải tính đến tình huống phong tỏa với biện pháp mạnh hơn. Dù tình huống nào xảy ra, thành phố vẫn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và triệt để yêu cầu 5K, nhất là khoảng “thời gian vàng” này.

Thành phố luôn đặt ưu tiên phòng, chống dịch lên hàng đầu, sức khỏe, tính mạng của người dân được đặt lên trên hết. Do đó, việc duy trì sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch phải đảm bảo nguyên tắc “nơi nào an toàn mới tổ chức sản xuất”. Để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế và đảm bảo sức khỏe nhân dân, thành phố đã cho khẩn trương thực hiện thẩm định các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp. 

Theo đó, các doanh nghiệp được phép tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân). Đồng thời thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần cho công nhân. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được các yêu cầu phòng, chống dịch thì phải dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7/2021 cho đến khi có chỉ đạo mới. Mới nhất, hiện Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) đã bắt đầu áp dụng chủ trương này từ sáng 14/7.

Liên quan đến việc kiểm tra người và phương tiện đi lại qua các chốt, trạm kiểm soát, chiều 13/7, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã có những điều chỉnh việc kiểm tra, kiểm soát tại các chốt, trạm kiểm soát. Theo đó, Công an thành phố tiếp tục duy trì thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch tại 12 chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 của thành phố như hiện nay. Nhưng sẽ điều chỉnh phương pháp kiểm tra, kiểm soát của các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 trong nội ô thành phố của cấp quận, huyện, TP Thủ Đức. 

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh).

Riêng với việc số ca F0 tăng nhanh, trong đó chủ yếu là F0 không triệu chứng, gây quá tải cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, từ chiều tối 13/7, TP Hồ Chí Minh đã được lãnh đạo Bộ Y tế chấp thuận đề xuất việc thành phố sẽ thí điểm cách ly tại nhà đối với F0 không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, có kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 10 âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp (CT value 30) và tiếp tục xét nghiệm RT-PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21. 

Riêng F0 không triệu chứng là nhân viên y tế sẽ được cách ly tại nhà khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống lây nhiễm, tự theo dõi, báo cáo tình trạng sức khỏe hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Đối với F1 ở vùng nguy cơ rất cao không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển cách ly tập trung, xét nghiệm RT-PCR ngày 7, nếu âm tính thì xem xét chuyển về cách ly tại nơi lưu trú…

Xử lý những trường hợp gom hàng, tăng giá

Đến nay, TP Hồ Chí Minh có đến 175/234 chợ tạm ngưng hoạt động. Nhằm giảm sức mua tập trung tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhiều hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử (TMĐT), doanh nghiệp (DN) trong chương trình bình ổn thị trường, đã mở hàng loạt điểm bán lưu động khắp các quận, huyện để kịp thời cung cấp hàng hóa đến người dân với giá ổn định. Ngày 14/7, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh cũng có công văn khẩn gửi tới các Đội QLTT, yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm để ổn định thị trường...

Ngày 13/7, siêu thị Aeon cũng đưa 4 xe bán hàng lưu động gồm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đến tay người dân tại 4 điểm thuộc quận 3, Tân Bình, Bình Thạnh. Theo kế hoạch, điểm đến của những chuyến xe lưu động này có thể thay đổi từng ngày theo lộ trình bố trí của Sở Công thương và UBND các quận, mỗi điểm bán dự kiến hoạt động trong 1 buổi để đảm bảo chất lượng hàng hóa, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm tươi sống. Đến nay, các hệ thống phân phối như: MM Mega, Bách Hóa Xanh, Masan, Satra… và các DN trong chương trình bình ổn thị trường đã tổ chức hơn 20 điểm bán hàng lưu động tại 7 quận, huyện. Ngoài ra, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPT Post) cũng có kế hoạch triển khai bán hàng hóa thiết yếu tại 180 bưu cục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai các điểm bán hàng lưu động ngay trong thời điểm này đã góp phần tạo thêm kênh mua sắm cho người dân. Mặt khác, hoạt động này cũng đã “chia lửa” bớt phần nào áp lực mua sắm với các siêu thị, cửa hàng… “Nếu phường, xã ở quận, huyện nào có nhu cầu đưa hàng về bán lưu động thì thông báo với Sở Công Thương, Sở sẽ tiếp nhận và điều phối các DN đưa hàng xuống để bán", ông Vũ nói.

Theo nhận định của Tổng cục QLTT, ngày 12/7, sau khi nhiều người dân đến siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mua nhiều loại thực phẩm tươi sống, nhiều siêu thị quá tải phải phát phiếu hẹn cho người dân đến mua hàng. Sáng 14/7,  người dân đã đến rất đông để nhận phiếu hẹn mua hàng hoặc để xếp hàng chờ vào siêu thị (đối với siêu thị không phát phiếu hẹn). Sở Công Thương đã cho phép một số chợ truyền thống đang bị phong tỏa bán lại các hàng rau, củ, quả, thịt, nhằm để giảm áp lực siêu thị, tăng điểm bán hàng hóa. 

Trước tình hình trên, ngày 14/7, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn khẩn gửi tới Đội trưởng các Đội QLTT, yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, mua lại tiểu thương của chợ đầu mối sau đó bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn TP, gây bức xúc trong nhân dân và đặc biệt là vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch.

Với một số thay đổi phương cách phòng, chống dịch như kể trên, tận dụng 10 ngày còn lại của khoảng “thời gian vàng” này, TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn thể người dân tiếp tục chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch để sớm đưa thành phố trở lại bình yên, khôi phục và phát triển kinh tế.

Quảng Nam lên phương án đón người dân vùng dịch trở về

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch hỗ trợ, đón công dân là người Quảng Nam từ vùng dịch có nguyện vọng trở về quê. 

Ngày 14/7, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, đây là việc làm thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, cũng là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Quảng Nam đối với bà con ở vùng dịch, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng trốn cách ly, trốn phong tỏa để trở về quê.

Theo ông Lê Trí Thanh, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các ngành, địa phương khẩn trương xây dựng phương án đón công dân về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang là “điểm nóng” dịch COVID-19 ở khu vực phía Nam, dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần này. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng đã làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về kế hoạch hỗ trợ cho bà con khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… là những nơi có số lượng người Quảng Nam sinh sống rất đông. Công tác hỗ trợ, tỉnh giao cho UBND các cấp thông qua các Hội đồng hương (HĐH) tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, việc lập phương án đón người dân trở về từ TP Hồ Chí Minh đang được Sở và các đơn vị liên quan tiến hành khẩn trương, theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Dự kiến, thứ sáu, ngày 16-7 tới, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ họp bàn, nghe báo cáo và thống nhất phương án đón người dân từ TP Hồ Chí Minh trở về. HĐH Quảng Nam tại TP Hồ Chí Minh đã thông báo trường hợp nào thực sự khó khăn, có nguyện vọng về quê thì đăng ký để được hỗ trợ. Đồng thời, đề nghị HĐH các huyện, thị xã, thành phố tại TP Hồ Chí Minh lập, cung cấp danh sách những trường hợp thật sự khó khăn để đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. (Ngọc Thi)

Phú Lữ - Thúy Hà
.
.
.