Nhiễm khuẩn bệnh viện: Tăng tỉ lệ biến chứng và tử vong

Thứ Năm, 23/06/2016, 16:26
Đã có không ít trường hợp tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV). Mức độ gây biến chứng và tử vong của NKBV cao hơn nhiễm khuẩn cộng đồng đã trở thành một thực tế đáng lo ngại.


NKBV đang là một thách thức rất lớn và là gánh nặng cho người bệnh, cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, gây nên các biến chứng, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh, tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong. 

Thực tế này được PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (KCB) đưa  ra tại hội nghị về chống nhiễm khuẩn tổ chức tại Hà Nội ngày 23-6. 

Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò đặc biệt quan trọng trong phẫu thuật

Nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho thấy tỷ lệ NKBV là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và BV dao động từ 60,5% đến 99,5%. Mà, các BV tuyến trung ương có tỷ lệ NKBV cao hơn.

Bên cạnh đó, các cơ sở KCB thường xuyên phải đối phó với các bệnh dịch có nguy cơ lây nhiễm cao qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C , hay lây truyền qua đường hô hấp như cúm A, lao phổi và các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. 

NKBV đang là nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển kỹ thuật cao như ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc… và hậu quả sau cùng làm ảnh hưởng tới chất lượng KCB, sự hài lòng của người bệnh và uy tín của ngành y tế.

Kiểm soát nhiễm khuẩn có ý nghĩa đặc biệt trong điều trị

Vì thế Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ ra, nếu không làm tốt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, sẽ gây ra những hậu quả rất lớn cho người bệnh: lây chéo, kháng kháng sinh, thậm chí kháng đa kháng sinh, vô cùng tốn kém. 

Cả nước có tới 20,8% BV có trên 150 giường bệnh chưa thành lập khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các BV đều thiếu, lại chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách nên chưa thực hiện giám sát chủ động và liên tục các loại nhiễm khuẩn BV thường gặp. 

Đặc biệt với điều kiện dân trí, thời tiết và mô hình bệnh tật của nước ta, các bệnh nhiễm khuẩn chiếm tỷ lệ cao, nhiều bệnh dịch mới nổi có nguy cơ tử vong cao và gây dịch xuất hiện không chỉ tại cộng đồng mà ngày càng có xu hướng lây lan nhiều trong BV như cúm A, SARS, MER-CoV, Ebola,…. là những thách thức lớn trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch tại các cơ sở KCB.

Cải thiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn BV đang trở thành yêu cầu cấp thiết, khi nâng cao chất lượng KCB đang là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Hơn nữa, việc ngành y tế đã và sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị như phát triển nội soi, phẫu thuật tim mạch, ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc… càng đòi hỏi phải vô khuẩn ở BV cao. 

Không kiểm soát nhiễm khuẩn tốt, sẽ gây ra những hậu quả rất lớn cho người bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trước tình hình trên, để góp phần nâng cao chất lượng KCB, giảm chi phí điều trị, Bộ Y tế đang tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ làm kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách, kỹ năng kiểm tra giám sát và quản lý chất lượng.

Ngành y tế cũng đặt mục tiêu tăng cường các hoạt động chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở KCB, đặc biệt đẩy mạnh công tác giám sát nhiễm khuẩn BV, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn... Hy vọng, sự quan tâm đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ giúp cho nhiều người bệnh tránh bị “họa vô đơn chí” khi vào viện.

Thanh Hằng
.
.
.