Vật vã tìm... máu dịp Tết Nguyên đán

Thứ Năm, 14/01/2016, 08:40
Vào dịp giáp Tết Nguyên đán như hiện nay, thiếu máu vẫn là nỗi lo căng thẳng ở các bệnh viện trên cả nước. Trong khi đó, đây lại là thời điểm cần lượng máu nhiều hơn cả, do số người bị tai nạn giao thông xảy ra nhiều, nên lượng bệnh nhân cần được tiếp máu tăng lên. Đó là chưa kể những người cần được truyền máu định kỳ.


GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, hiện nay, ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ còn khoảng 10.000 đơn vị máu, trong khi nhu cầu của hơn 120 bệnh viện khu vực Hà Nội đòi hỏi phải cung cấp khoảng 1.200 – 1.500 đơn vị máu phục vụ điều trị, cấp cứu mỗi ngày. Nếu sử dụng dè xẻn cũng chỉ được khoảng chục ngày, còn không thì vài ngày là hết. Dự kiến, tình trạng máu cung cấp cho bệnh nhân Tết Nguyên đán năm nay sẽ rất khó khăn, và tình trạng khan hiếm máu sẽ diễn ra trên diện rộng trong cả nước.

GS.TS Nguyễn Anh Trí giải thích thêm nguyên nhân khan hiếm máu dịp này là do việc tổ chức hiến máu cũng như số người hiến máu rất ít, khi việc thực hiện kế hoạch năm 2015 đã xong, trong khi kế hoạch năm 2016 lại chưa triển khai, thậm chí, chưa phê duyệt. Bên cạnh đó, dịp này, cả nước cũng có nhiều sự kiện, nên không nhiều thời gian để các đơn vị tổ chức các đợt hiến máu. Những nguyên nhân trên làm cho nhu cầu về máu trong điều trị càng trở nên “nóng” hơn.

“Việc thiếu máu đã diễn ra triền miên, năm này sang năm khác, nhưng nguồn cung vẫn chỉ dựa vào việc hiến máu của cộng đồng. Tại sao Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương không có các biện pháp bền vững, dài hơi để “cắt cơn” thiếu máu này, ví như có thể mua máu, thay vì chờ đợi được hiến như hiện nay?”.

Trả lời câu hỏi này của PV Báo CAND tại cuộc họp về vấn đề trên chiều 12-1, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: Cả năm 2015, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận  khoảng 1,2 triệu đơn vị máu, tương ứng với khoảng 1/3 dân số của Việt Nam. Trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, để đảm bảo an toàn cho quốc gia, thì số lượng máu tiếp nhận được phải bằng 2/3 dân số, tức là tối thiểu phải tiếp nhận được 1,8 triệu đơn vị. 

Tuy nhiên, không thể thương mại hóa trong vấn đề tiếp nhận máu phục vụ người bệnh. Không phải vì Nhà nước không có tiền để mua máu, bởi hiện nay, Nhà nước đang phải bù lỗ rất nhiều với chi phí cao, ví như ghép tế bào gốc, trong khi chi phí về máu lại không cao lắm.

Mà trước đây, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tiếp nhận chủ yếu từ những người bán máu chuyên nghiệp, được khoảng 200.000-300.000 đơn vị máu mỗi năm. Nhiều bệnh viện phải nuôi một đội ngũ những người bán máu, tạo điều kiện cho họ ăn ở ngay cạnh bệnh viện để khi có bệnh nhân cần là họ đến bán máu. Vấn đề là nếu còn dùng tiền để mua máu sẽ có nhiều tiêu cực phát sinh, cũng như không đảm bảo an toàn về máu. 

Khi người ta bán máu chuyên nghiệp, máu sẽ dùng nhiều lần sẽ không đảm bảo chất lượng, rồi không an toàn cho cả chính người bán máu. Chính vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới đã cấm việc mua bán máu. Hiện chỉ còn những nước lạc hậu mới buộc phải mua. Hơn nữa, việc mua bán máu sẽ không mang tính nhân đạo trong điều trị cứu người.

Lực lượng Công an đã nhiều lần tham gia ngày hội hiến máu.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, cho dù Việt Nam vẫn thiếu máu triền miên, nhưng nhìn tổng thể thì việc hiến máu đã đạt được những tiến bộ ngoạn mục. 20 năm trước, chúng ta mới chỉ có khoảng vài trăm ngàn đơn vị máu mỗi năm, đến nay đã có 1,2 triệu đơn vị, là một bước đi dài mà nhiều nước tiên tiến cũng phải mất 50 năm mới đạt được. Vì thế, kết quả này khiến nhiều chuyên gia của các nước phải ngạc nhiên và ngưỡng mộ. 

Đã có hàng loạt biện pháp được tiến hành, nhằm giải quyết tình trạng thiếu máu, điển hình như các chương trình “Chủ nhật đỏ”, Hành trình đỏ” tổ chức ở nhiều tỉnh thành, tạo được sự lan tỏa ngày một lớn. Để Việt Nam đạt mục tiêu 1,8 triệu đơn vị máu một năm như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cần phải 30 năm, nhưng với những bước đi như đã có, GS.TS Nguyễn Anh Trí hy vọng hơn 10 năm nữa sẽ đạt được. 

Trước mắt, để giải quyết tình trạng thiếu máu trong dịp Tết Nguyên đán năm 2016, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức ngày hội “Chủ nhật Đỏ” 2016 tại Hà Nội vào ngày 17-1, với hy vọng sẽ tiếp nhận được khoảng 20.000 đơn vị máu. Đợt hiến máu lần này sẽ kéo dài trong suốt các ngày cuối tuần tháng 1-2016 tại 22 tỉnh, thành phố cả nước.

Ban Tổ chức “Chủ Nhật đỏ” cho biết, chiều 12-1, lực lượng Công an TP Hà Nội đã xác nhận sẽ tham gia ngày hội hiến máu 17-1 để ủng hộ phong trào. Ngoài ra, ngày hội hiến máu 2016 lần đầu tiên có một đơn vị Quân đội tham gia là Học viện Hậu cần.

Ngày hội hiến máu “Chủ nhật đỏ” 2016 là một sự kiện mang tính nhân văn sâu sắc. Vì thế, sẽ có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và nhân vật của công chúng tham gia như NSƯT Xuân Bắc; các ngôi sao ca nhạc Tùng Dương, Lê Cát Trọng Lý, Ngọc Khuê, Bảo Trâm, Hà Anh…; các hoa hậu, á hậu, người đẹp Ngọc Hân, Kỳ Duyên, Huyền Mi, Tú Anh, Đỗ Hoàng Anh, Nguyễn Lâm Diễm Trang, Lan Khuê, Nam Em, Đặng Thị Lệ Hằng, Thúy Vân… Ngày “Chủ nhật đỏ” năm nay còn có các ngôi sao bóng đá của CLB Hà Nội T&T Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết, Hoàng Vũ Samson, Gonzalo Damian Marronkle và cầu thủ trẻ xuất sắc U21 Nguyễn Quang Hải, Chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội và Chủ tịch Hội Cổ động viên của CLB này - NSƯT Chí Trung…

Ngoài các cơ quan báo chí hỗ trợ thông tin, ngày hội hiến máu năm nay còn được Tổng Công ty Vận tải Hà Nội điều xe chở người của các đơn vị lớn tới điểm hiến máu; các xe buýt của Tổng Công ty này và 300 xe taxi của hãng Mai Linh sẽ cắm cờ “Chủ nhật đỏ” để ủng hộ sự kiện này.

Thanh Hằng
.
.
.