Ứng dụng máy ECMO cứu sống bệnh nhi nhỏ nhất mắc bệnh nguy hiểm

Thứ Hai, 17/08/2020, 15:37
Bệnh nhi L.T.K.N. (SN 2017, cân nặng 11 kg, ngụ Tiền Giang) được các bác sĩ Bệnh viện ( BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh ứng dụng thành công kỹ thuật ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) chữa trị thành công bệnh viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim; được coi là trường hợp nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay được chữa trị bệnh nguy hiểm bằng kỹ thuật này. 



Sáng 17/8, Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Nhi đồng 1 ( TP Hồ Chí Minh ), cho biết: Bệnh nhi L.T.K.N. (SN 2017, cân nặng 11 kg, ngụ Tiền Giang) được BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang chuyển lên BV Nhi đồng 1 - TP Hồ Chí Minh do tình trạng bệnh quá nặng: hôn mê, môi tím, thở hước, trụy tim mạch nặng, nhịp tim rời rạc.

Được biết, diễn tiến bệnh của bé chuyển biến xấu nhanh chỉ trong hai ngày, trước đó bé hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh gì. Ngày đầu tiên, bé chỉ sốt nhẹ, không ho, không sổ mũi, không tiêu lỏng. Người nhà tự mua thuốc uống cho bé uống. Qua ngày thứ hai, bé lừ đừ, nôn ói 10 lần và mệt.

 Lúc này, gia đình đưa bé nhập viện BV Đa khoa trung tâm Tiền Giang trong tình trạng li bì, trụy tim mạch, tim đập chậm. Bệnh nhi được cho thở oxy, truyền thuốc vận mạch và chuyển đến BV Nhi đồng 1. 

Tại Khoa Cấp Cứu của BV Nhi đồng 1, bé được chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim. Ngay lập tức, các bác sĩ đã đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc vận mạch để duy trì chức năng co bóp cơ tim, đồng thời đặt máy tạo nhịp tạm thời để duy trì nhịp tim cho bệnh nhi. Tuy nhiên, sau khi được điều trị cấp cứu, chức năng co bóp cơ tim của bệnh nhi vẫn giảm nặng do viêm cơ tim tối cấp kèm loạn nhịp gây trụy tim mạch nặng, đe dọa tính mạng. Qua hội chẩn toàn viện khẩn cấp, các bác sĩ quyết định tiến hành kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể (ECMO-) để cứu bệnh nhân.

Theo thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu TP Hồ Chí Minh: Vấn đề là bệnh nhi nhỏ tuổi và nhỏ ký (3 tuổi, 11 kg) nên việc tiếp cận mạch máu và kỹ thuật ECMO sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cũng như nguy cơ nhiều biến chứng hơn. Đối với bệnh nhân người lớn hay trẻ lớn thì bác sĩ sẽ dùng siêu âm hướng dẫn và dùng kim chích vào mạch máu ở chi (mạch máu đùi là mạch máu lớn của cơ thể) để luồn ống thông kết nối ECMO. Tuy nhiên, với bé nhỏ thì không thể siêu âm tìm mạch máu và chích mạch máu để luồn ống được vì mạch quá nhỏ. Thế nên các bác sĩ phải phẫu thuật tìm mạch máu ở cổ, xẻ mạch máu ra để luồn ống thông kết nối ECMO. Đây lại là một vị trí phức tạp”. Bác sĩ Cam giải thích.

Kết quả, sau 6 ngày chạy ECMO, chức năng tim và các cơ quan gan, thận, não của bệnh nhi phục hồi tốt. Bệnh nhi được cai ECMO và sau đó là cai máy thở, máy tạo nhịp tim.

Hiện tại bệnh nhi tỉnh táo, thở bình thường, sức khỏe bệnh nhi ổn định. Theo bác sĩ Cam, đây là trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất (cả nhỏ tuổi lẫn cân nặng nhỏ nhất) được thực hiện ECMO tại BV Nhi đồng 1. Từ đây, BV sẽ tiếp tục thực hiện ECMO cho các trường hợp sơ sinh cần chỉ định vì tỉ lệ cứu sống sơ sinh nhờ ECMO rất cao.

Huyền Nga
.
.
.