Cần quản lý chặt việc thu gom rác thải của F0 điều trị tại nhà

Thứ Tư, 25/08/2021, 20:24

Đối với rác thải của bệnh nhân F0 cũng được phân loại riêng, sau đó các công ty dịch vụ công ích đã hợp đồng đi thu gom rác thải sẽ đi thu gom rác và đưa đi xử lý theo quy định.

 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến ngày 25/8, số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 45.206 người. Trong đó có 23.197 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 22.009 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 15.392 người.

TP Hồ Chí Minh đã lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà, các tổ này được lập ở mỗi phường, xã, thị trấn. Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng của Trạm Y tế của phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, Công an, Đoàn thanh niên,...

HCDC cho biết, việc thành lập các tổ phản ứng nhanh ở phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.

"Nhằm đảm bảo việc chăm sóc trường hợp F0 đang được theo dõi tại nhà và đảm bảo người dân mắc bệnh khác tại cộng đồng vẫn được chăm sóc điều trị tốt, Sở Y tế đã phối hợp các quận, huyện đến ngày 25/8 thành lập được 401 Trạm y tế lưu động để cấp phát thuốc cho F0 và hướng dẫn F0 điều trị tại nhà…", Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin cho báo chí ngày 25/8, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết thêm, hiện nay ở các phường, xã, thị trấn đều có số điện thoại của tổ y tế để tiếp nhận thông tin F0. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh khi biết kết quả xét nghiệm là F0 và liên hệ với số điện thoại tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 nhưng chuông điện thoại đổ mà không ai nghe máy, có nơi nghe máy nhưng không đến hỗ trợ F0. Ngoài việc hỗ trợ F0 còn nhiều bất cập, một số địa phương thực hiện chưa nghiêm, chưa hướng dẫn chu đáo cho F0 thực hiện phân loại rác thải.

Cần quản lý chặt việc thu gom rác thải của F0 điều trị tại nhà -0

Nhân viên thu gom rác thải là đối tượng rất dễ lây nhiễm dịch bệnh nhưng không sử dụng đồ bảo hộ. 

Như trường hợp chị Lê Nh. (SN 1977, ở phường 24, quận Bình Thạnh) phản ánh, chị là F0 điều trị tại nhà hiện đã khỏi bệnh, nhưng chủ yếu là tự bản thân điều trị, cộng với sự hỗ trợ từ xa của bạn bè là bác sĩ, chứ thực sự không có hỗ trợ của y tế phường. Khi biết kết quả xét nghiệm dương tính, chị Nh có điện thoại báo với phường nơi cư trú nhưng không ai quan tâm, không ai gọi lại hướng dẫn, chị gọi nhiều lần thì y tế phường nói “nhiều việc quá”. Đến ngày thứ 13, chị tự cách ly và điều trị ở nhà, người của phường mới đến dán bảng thông báo nhà có F0 cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19, nhưng không ghi từ ngày nào đến ngày nào.

Chị Nh cũng bức xúc không được y tế phường hỏi về quá trình tiếp xúc, không có thông báo đến khu phố để có biện pháp phòng, chống dịch và khử khuẩn, cũng không hướng dẫn xử lý rác thải như thế nào. Toàn bộ đều phụ thuộc vào ý thức của bản thân, gom rác thải của F0 bỏ riêng vào túi nilon cột kín bỏ vào thùng rác, khi gần đến giờ thu gom rác thì đem ra vị trí để rác như thường lệ phía trước nhà cho nhân viên thu gom rác lấy.

Cần quản lý chặt việc thu gom rác thải của F0 điều trị tại nhà -0

F0 điều trị tại nhà đến ngày thứ 13, phường mới đến dán bảng thông báo.

Như vậy, việc thu gom rác loại này chắc chắn sẽ bỏ chung với rác thông thường, F0 không thể tiếp xúc nói chuyện với nhân viên thu gom rác. Có chăng, nhân viên viên thu gom rác nhìn thấy bảng thông báo nhà có F0 sẽ phân loại rác thải này riêng, nhưng sau 13 ngày điều trị, địa phương mới dán bảng thông báo nhà có người F0 thì xe rác sẽ không thể biết để phân loại. Điều này vô tình lại có thể làm lây lan virus đến những người khác.

Còn chị Lê L. ở phường 6, quận 6 cho biết, khi chị có kết quả xét nghiệm dương tính, gọi cho y tế phường thì chỉ hỏi là nặng hay nhẹ rồi thôi. Từ lúc dương tính đến âm tính vẫn không ai gọi điện hay đến để khử khuẩn hay hướng dẫn điều trị. Còn việc rác thải cũng không hướng dẫn mà bản thân tự chị bỏ vào túi riêng và mang ra nơi để rác cho người thu gom rác đến lấy.

Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND tại họp báo chiều 25/8, ông Phạm Đức Hải cho biết, Sở Tài nguyên – Môi trường báo cáo rằng đã hướng dẫn các gia đình phân loại rác tại nguồn. Đối với rác thải của bệnh nhân F0 cũng được phân loại riêng, sau đó các công ty dịch vụ công ích đã hợp đồng đi thu gom rác thải sẽ đi thu gom rác và đưa đi xử lý theo quy định.

Nếu không thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các F0 điều trị tại nhà cũng như người thu gom loại rác thải này thực hiện nghiêm quy định, đây sẽ là một trong những nguồn lây dịch bệnh COVID-19.

Nguyễn Cảnh
.
.
.