Cảnh báo gia tăng người trẻ mắc bệnh lao

Chủ Nhật, 13/08/2023, 09:38

Lao là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, song lại ít được chú ý. Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ca bệnh lao mới là người trẻ. Nhiều người trẻ, khỏe, có triệu chứng ho kéo dài, nhưng lại không nghĩ tới bệnh lao, tới khi vào viện làm xét nghiệm thì bệnh đã nặng. Đặc biệt, tình trạng lao đa kháng thuốc đang gia tăng, vì vậy càng không được chủ quan.

Người trẻ, khỏe cũng nhiễm

Ho kéo dài hơn 3 tháng dù uống nhiều đợt kháng sinh không khỏi, N.T.L, (sinh viên tại Hà Nội) đi khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương, L. được làm các xét nghiệm chuyên sâu và được phát hiện mắc bệnh lao. Điều khiến chàng sinh viên lo lắng là không biết lây lao từ đâu. Được chỉ định dùng thuốc điều trị lao, L. gặp phải tác dụng phụ gây ra men gan tăng cao, phải ngừng thuốc để điều trị gan, sau đó mới quay trở lại điều trị theo phác đồ. Một đợt điều trị lao kéo dài 6 tháng, L. đã không tránh được tổn thương có dải xơ phổi.

lao.jpg -0
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương khám cho bệnh nhân trẻ mắc lao.

Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh viện đã ghi nhận 4 trường hợp là sinh viên ở cùng chung phòng trọ lây bệnh lao. Ban đầu, một trong 4 sinh viên đến khám với triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi, sụt cân, xét nghiệm có vi khuẩn lao. Sau đó, 3 người còn lại được tư vấn sàng lọc lao và cả 3 sau khi xét nghiệm đều mắc bệnh. Theo các bác sĩ, những trường hợp này có thể do sức đề kháng hoặc do không gian sống chưa được thông thoáng, thiếu ánh sáng, dẫn tới lây nhiễm bệnh lao cho cả phòng trọ.

BSCKII Nguyễn Thu Thuỷ, Khoa Lao – Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc lao. Trẻ em sống trong môi trường gia đình hoặc hàng xóm xung quanh có người mắc lao, đều có nguy cơ lây bệnh. Theo thống kê, tỷ lệ mắc lao cao nhất là trong độ tuổi lao động (từ khoảng 41-50 tuổi). Tuy nhiên, số người mắc lao ở tuổi trẻ hiện nay được phát hiện nhiều hơn. 

Bác sĩ cũng giải thích thêm, những người bình thường khi hít phải vi khuẩn lao từ người bệnh sẽ có tình trạng nhiễm lao. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm lao cũng phát triển thành bệnh lao. Vi khuẩn lao khi ở trong cơ thể sẽ không sinh trưởng được vì hệ miễn dịch đã bảo vệ cơ thể. Thực tế, có những người nhiễm lao suốt đời nhưng không thành bệnh lao.

Những ai dễ bị vi khuẩn lao tấn công?

Theo BS Thuỷ, những người có nguy cơ mắc bệnh lao cao là do hệ miễn dịch kém, bao gồm: người suy dinh dưỡng, người hút thuốc lá nhiều, mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV, trẻ em… Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lao thì các thành viên khác phải có các biện pháp phòng ngừa và tầm soát sớm.

Lao là bệnh diễn biến âm thầm, tuỳ thuộc vào sức khoẻ và đề kháng của từng người mà bệnh lao ở phổi có thời gian ủ bệnh dài ngắn khác nhau. Ở giai đoạn ủ bệnh hầu như không có triệu chứng, hoặc có biểu hiện nhưng mờ nhạt, nên rất khó phát hiện. Ở giai đoạn bệnh mới có triệu chứng lâm sàng như sốt về chiều, ho kéo dài trên 2 tuần, gầy sút cân, đổ mồ hôi, nếu để lâu có thêm triệu chứng đau ngực, ho ra máu…

Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, con số 40% người mắc lao chưa được phát hiện rất nguy hiểm, đây là nguồn lây lớn cho cộng đồng. Hiện nay, tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Theo PGS Nhung, lao kháng thuốc là tình trạng người bệnh mang vi khuẩn lao nhưng vi khuẩn đó không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng lao. Một trong những nguyên nhân mắc lao kháng thuốc lá do phát hiện muộn. Mắc bệnh lao thông thường đã khó điều trị, lao kháng thuốc còn khó điều trị hơn rất nhiều lần do vi khuẩn lao khi đã kháng thuốc gần như sẽ kháng hầu hết các loại kháng sinh điều trị lao thông thường. Đây là mối lo lắng lớn hàng đầu của các chuyên gia chống lao, bởi cần một phác đồ điều trị lâu dài và tốn kém hơn rất nhiều.

Bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Nhưng không ai bị mắc lao mà tử vong ngay. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Do vậy, cần phải phát hiện và điều trị sớm, để tránh khả năng tử vong và làm tăng nguy cơ lây lan cho cộng đồng. Người dân không chủ quan với bệnh lao, cần tiêm phòng lao phổi cho trẻ từ khi mới sinh; đeo khẩu trang ở những nơi đông người, khi tiếp xúc với người bệnh; hắt hơi cần che miệng, sau đó vệ sinh tay sạch sẽ.

Trần Hằng
.
.
.