Chăm sóc ba bị tai biến liệt tay chân, tiến sĩ cho ra đời thiết bị giúp người bệnh

Thứ Sáu, 04/08/2023, 08:30

Để giúp người liệt hai chân hòa nhập cuộc sống cũng như giảm bớt gánh nặng cho gia đình, nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã tạo ra thiết bị hỗ trợ người bệnh.

Thiết bị này giúp chuyển đổi tư thế người bệnh từ ngồi sang đứng, đi lại độc lập, phù hợp với mức thu nhập của người Việt Nam. Đây là thiết bị Independence Mobility, do nhóm sinh viên Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp thực hiện, gồm: Nguyễn Thị Hoài Liên, Nguyễn Lê Minh Thảo, Lê Quang Khương, Nguyễn Hoàng Thái Công, Võ Anh Duy. Sản phẩm đã đoạt giải Nhất cuộc thi IU Startup Demo Day 2023. Đây là cuộc thi khởi nghiệp thường niên và là một trong những chương trình trọng điểm của Trường Đại học Quốc tế ĐHQG-HCM.

Chăm sóc ba bị tai biến liệt tay chân, tiến sĩ cho ra đời thiết bị giúp người bệnh -0

8 năm chăm sóc ba bị tai biến, liệt tay, chân, TS Hà Thị Xuân Chi, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Quốc tế ĐHQG-HCM nhận thấy, dù có thiết bị hỗ trợ nhưng việc chăm sóc ba vẫn rất vất vả; đặc biệt là khi nâng đỡ ba vào nhà vệ sinh, thay quần áo hay thực hiện các sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, nếu người bệnh không được tập luyện, vận động thường xuyên thì các bộ phận sẽ yếu dần đi. Trong khi đó, những sản phẩm giúp người bệnh di chuyển độc lập phổ biến trên thế giới lại có giá thành quá cao, khoảng 400 triệu - 1 tỷ đồng. Do đó, cô Chi đã nảy ra ý tưởng làm một thiết bị có hiệu quả, công dụng tương tự với chi phí rẻ hơn.

Kể từ đầu tháng 10/2022, dưới sự hướng dẫn của cô Chi, sinh viên Hoài Liên đã bắt tay nghiên cứu và thiết kế bản vẽ. "Việc tìm tài liệu nghiên cứu khá khó khăn, vì mình chỉ có thể tham khảo thông tin của những sản phẩm tương tự ở nước ngoài, đồng thời thu thập thêm được một số số liệu thống kê về kích thước cơ thể của người Việt Nam. Mình cũng không có chuyên môn và kinh nghiệm về chế tạo nên phải tìm đơn vị gia công bên ngoài sao cho vừa đúng ý, vừa tiết kiệm", Hoài Liên cho biết. Sau 3 tháng, Liên đã cho ra đời thành phẩm và nhờ ba của TS Xuân Chi dùng thử. Là sản phẩm đầu tiên nên máy còn vài hạn chế, chưa phù hợp để đưa vào sử dụng như kích thước khá cồng kềnh, một số chi tiết quá nặng, máy hoạt động chưa ổn định, hơi rung, tay cầm quá dài khiến người dùng khó cầm nắm.

Cùng lúc đó, Trường Đại học Quốc tế ĐHQG-HCM phát động cuộc thi IU Startup Demo Day 2023. Để truyền động lực cho sinh viên năm II, TS Hà Thị Xuân Chi đã đưa ra lời mời thành lập nhóm dự thi cùng với Hoài Liên và nhận được sự hưởng ứng của 4 sinh viên gồm Nguyễn Lê Minh Thảo, Lê Quang Khương, Nguyễn Hoàng Thái Công, Võ Anh Duy. Sau khi gia nhập nhóm, mỗi thành viên đảm nhận nhiệm vụ theo thế mạnh của mình. Cụ thể, Minh Thảo chịu trách nhiệm điều phối công việc; Hoài Liên, Thái Công phụ trách phần kỹ thuật; Anh Duy, Quang Khương tập trung xây dựng kế hoạch tài chính và marketing cho sản phẩm.

Khoảng 1 tháng trước cuộc thi IU Startup Demo Day 2023, nhóm đã hoàn thiện thiết bị, thiết kế lại độ dài của cánh tay đòn cũng như thêm vào bộ phận đỡ mông để đảm bảo máy hoạt động ổn định, có đủ lực nâng người bệnh lên một cách an toàn, trơn tru.

So với thành phẩm đầu tiên, hình dáng và khối lượng thiết bị dự thi hầu như không có khác biệt. Máy nặng khoảng 45kg, có chiều cao khoảng 80cm, dài 70cm, rộng 48cm và cánh tay đòn dài 60cm với khả năng nâng người có trọng lượng dưới 113kg. Máy gồm 3 bộ phận chính: Bánh xe; hệ thống giá đỡ (đế ngang và thanh trụ đứng); pít-tông và cánh tay đòn kèm đai giữ hông. Máy vận hành dựa trên lực nâng của pít-tông và cánh tay đòn. Khi máy hoạt động, phần pít-tông sẽ hạ cánh tay đòn xuống để đai có thể giữ hông, còn phần đệm dưới ôm lấy mông, rồi đỡ người bệnh.

Quang Khương cho biết: "Máy có thể hỗ trợ bệnh nhân di chuyển ở tư thế đứng bằng bộ điều khiển tự động với vận tốc tối đa là 0,8m/s. Đặc biệt, thiết bị Independence Mobility còn giúp người dùng di chuyển được 360 độ nên phù hợp với hầu hết không gian hẹp".

Khi đem thiết bị Independence Mobility đến cuộc thi IU Startup Demo Day 2023, Ban giám khảo rất thích với tính ứng dụng cao của sản phẩm. Thiết bị này góp phần thúc đẩy thói quen hoạt động ở tư thế đứng, vì hiện nay các sản phẩm trên thị trường đa phần là hỗ trợ bệnh nhân ở tư thế ngồi. Khi đứng được, bệnh nhân cũng sẽ chủ động hơn trong sinh hoạt, phục hồi chức năng, từ đó loại bỏ được tâm lý mặc cảm và dễ hòa nhập với cuộc sống hơn. Đó là tính hiệu quả của sản phẩm trong việc trị liệu vật lý và tinh thần.

Thiết bị này còn được thiết kế vừa với cơ thể của người Việt và giá thành phù hợp với mức thu nhập của gia đình người bệnh. Theo nhóm, sản phẩm dự kiến bán ra với giá 60 triệu đồng, kèm dịch vụ chăm sóc, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn sử dụng sản phẩm của nhân viên y tế trong 2 tháng. Nhóm đã được trao giải nhất cuộc thi IU Startup Demo Day 2023 và giải thưởng phụ - Dự án có tính ứng dụng cao.

Sau cuộc thi, nhóm vẫn không ngừng cải tiến thiết bị Independence Mobility về nhiều mặt để chuẩn bị chinh phục top 50 cuộc thi Startup Wheel 2023 - cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất Đông Nam Á. Nhóm còn dự định tích hợp Internet vạn vật (IoT) cho thiết bị này nhằm nâng cao tính an toàn, tiện lợi. Ngoài ra, nhóm cũng muốn ứng dụng thêm công thái học và tạo ra nhiều phiên bản đa dạng về kích cỡ, lực nâng để phù hợp với vóc dáng, cân nặng của mọi đối tượng. Trong tương lai, nhóm mong muốn có thể hoàn tất thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.

Nguyễn Cảnh
.
.
.