Cùng lúc 4 dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát, ứng phó ra sao?

Thứ Tư, 03/08/2022, 09:57

Cùng lúc ứng phó với 4 dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lại thêm bệnh đậu mùa khỉ nguy cơ cao xâm nhập, tại hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu vào ngày 2/8, nhiều giải pháp phòng dịch đã được đưa ra.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca COVID-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%). Cùng thời điểm, sốt xuất huyết tăng mạnh, cả nước đã ghi nhận 136.075 trường hợp mắc, trong đó có 45 bệnh nhân đã tử vong. Bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương; dịch cúm bùng phát tại phía Bắc.

Cùng lúc ứng phó với 4 dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lại thêm bệnh đậu mùa khỉ nguy cơ cao xâm nhập, tại hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu vào ngày 2/8, nhiều giải pháp phòng dịch đã được đưa ra.

img_7491.jpg -0
Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi đông người, có nguy cơ cao để phòng bệnh truyền nhiễm.

Theo đánh giá của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp, trong nước đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây. Cùng với đó, sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước và mới nhất là các biến thể BA.2.12.1, BA.2.75 gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Tính đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 9,9 triệu người đã khỏi bệnh (92%) và hơn 43 nghìn bệnh nhân tử vong (0,4%).

Bộ Y tế đánh giá nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác là hiện hữu khi dịch bệnh đã lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Các địa phương ghi nhận số mắc sốt xuất huyết hàng tuần và tích luỹ tăng cao là: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp. Đến nay đã ghi nhận 45 ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, đây là con số báo động.

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, bệnh đậu mùa xâm nhập chỉ là ngày một ngày hai, vì thế các đơn vị chuyên môn cần chủ động tìm nguồn vaccine, thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm cho chẩn đoán và điều trị khi ca bệnh xâm nhập vào cộng đồng.

Để chủ động trong việc tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị khi có ca bệnh đậu mùa khỉ trong cộng đồng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đang xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống dịch đậu mùa khỉ. Theo đó, đặt ra 3 tình huống: Thứ nhất là chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam, tình huống này xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ. Điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo…

Tình huống 2 là có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam, tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở…

Tình huống 3 là dịch lây lan ra cộng đồng, mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết; phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh…

Tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/8 về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch.

Vì vậy, bà Lan đề nghị, các địa phương, bộ, ngành tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đồng thời đề nghị các địa phương và đơn vị bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia phòng, chống dịch, nhất là công tác tiêm chủng vaccine chưa hiệu quả. Đối với tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, cần phải tìm giải pháp để sớm khắc phục.

Trần Hằng
.
.
.