Hậu quả nghiêm trọng từ những vụ "mày mò" chế pháo

Thứ Bảy, 03/02/2024, 08:30

Những vụ tai nạn kinh hoàng từ việc học sinh chế pháo nổ theo các video clip trên mạng xã hội liên tiếp xảy ra trong dịp Tết, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, khiến nhiều người lo lắng. Theo thống kê từ các bệnh viện, các nạn nhân chủ yếu ở lứa tuổi 10 16, do tò mò học theo cách chế tạo pháo trên mạng, khi thuốc pháo phát nổ, các em đã bị trọng thương như mất tay, mù mắt, thủng bụng…

Giấu gia đình mua thuốc pháo về tự chế

Một nam sinh sinh năm 2011, trú tại Quảng Ninh hiện đang điều trị tại Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (nguyên nhân do tai nạn pháo nổ) cho biết: "Cháu lên mạng xem các clip và video cách chế pháo nổ, sau đó mua thuốc pháo trên mạng và bắt chước cách làm. Trong lúc chế pháo thì bất ngờ phát nổ, rồi cháu không biết gì nữa". Theo TS.BS Nguyễn Viết Ngọc - Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật, khi vào viện, bàn tay phải của nam sinh bị dập nát, đứt rời nhiều ngón, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt lọc tổn thương, găm đinh cố định các ngón, ghép da. Tuy nhiên, do ngón cái bị đứt rời và dập nát toàn bộ, đợi vết thương liền da, các bác sĩ mới tiếp tục phẫu thuật chuyển ngón chân cái phục hồi ngón tay cái.

Hậu quả nghiêm trọng từ những vụ
Một thiếu niên bị tai nạn nghiêm trọng do pháo nổ điều trị ở Bệnh viện Việt Đức.

Chỉ sau đó vài ngày, một học sinh lớp 7 ở Quảng Ninh cũng bị dập nát bàn tay do đang đốt pháo thì phát nổ. Giáp Tết, các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện 108, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ, hoặc tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng để chơi Tết. Riêng 1 tuần giữa tháng 1, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 4 ca cấp cứu chấn thương nặng do pháo nổ.

Những ngày qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng do pháo nổ, nạn nhân chủ yếu là thanh thiếu niên, do tò mò học theo cách làm pháo trên mạng và bị tai nạn. Gần đây nhất, người dân ở tổ 8, thị trấn huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông kinh hoàng nghe tiếng nổ lớn phát ra từ một phòng trọ. Nam sinh 17 tuổi do tự chế pháo và phát nổ, khiến hai bàn tay bị dập nát. Sau khi được cấp cứu, nam sinh đã phải cắt bỏ cổ bàn tay bên trái, cắt bỏ nửa bàn tay bên phải.

Vào chiều 30/1 vừa qua, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận thêm 1 học sinh lớp 6 bị tai nạn pháo nổ, nâng tổng số bệnh nhân bị thương do pháo gây ra lên 4 trường hợp mà bệnh viện tiếp nhận trong tháng 1.

Phải xử lý nghiêm

Khi xử trí cho những học sinh bị tai nạn nghiêm trọng do pháo nổ, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức rất đau xót, chỉ vì tò mò và thiếu hiểu biết, những học sinh này đã phải gánh chịu hậu quả tàn khốc khi tuổi còn nhỏ. Theo nam sinh 14 tuổi ở Bắc Giang kể lại, cậu bé đã lén cha mẹ đặt thuốc nổ và các dụng cụ chế pháo trên mạng, sau đó bắt đầu thực hành. Đáng tiếc, khi đang nhồi thuốc pháo thì phát nổ, hậu quả mà cậu bé phải gánh chịu là nguy cơ tàn tật với những vết thương ám ảnh cả cuộc đời.

Chỉ cần gõ từ khoá "làm pháo nổ", trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt video hướng dẫn tự chế tạo pháo, còn giới thiệu chi tiết cách thức trộn hoá chất để làm thuốc pháo, cách cuốn cuộn vỏ đến cách nhồi thuốc pháo, gắn ngòi… Trên facebook còn có nhóm "Đam mê chế pháo", các thành viên trao đổi kinh nghiệm, mua bán nguyên liệu chế tạo pháo, hay đăng tải clip khoe chiến tích tự chế pháo nổ… Đặc biệt, có clip còn hướng dẫn chi tiết cách tìm mua nguyên liệu KClo3, lưu huỳnh, natri…để chế thuốc pháo dưới các tên gọi trá danh như "phân bón", "bột đá thạch cao"… Các nguyên liệu để làm pháo cũng mua dễ dàng trên các sàn thương mại điện tử. Chính vì lẽ đó, nhiều thanh thiếu niên khi bắt gặp các video clip này trên mạng, đã tò mò học theo.

Theo luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú, Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo; nghiêm cấm các hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ.

Hành vi đốt pháo xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 175), tội cố ý gây thương tích (Điều 134) hoặc tội giết người (Điều 123) quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Các hành vi đăng vi deo hướng dẫn làm pháo cũng được coi là tội phạm với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực.

Việc đăng tải các clip hướng dẫn người khác tự chế pháo nổ là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị xử phạt tiền 10-20 triệu đồng. Tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn. Vì vậy, theo luật sư Hùng, việc tuyên truyền phổ biến và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về pháo là hết sức cần thiết, gia đình cần quản lý, kiểm soát, thấy trẻ tích luỹ thuốc pháo, có biểu hiện chế tạo pháo thì ngăn chặn ngay. Về phía nhà trường, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền tới học sinh. Đồng thời, cơ quan chức năng cần ngăn chặn sự tồn tại của các clip hướng dẫn làm pháo trên các trang mạng xã hội, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp này để tạo tính răn đe.

Trần Hằng
.
.
.