Làm rõ nguyên nhân bé sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine

Thứ Hai, 11/09/2023, 15:40

Sau khi tiêm vaccine viêm gan B, 2 bé song sinh ở Vĩnh Phúc tím tái, 1 trong 2 bé đã tử vong. Từ kết quả xét nghiệm gene của trẻ, Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận, nguyên nhân tử vong do cháu bé bị rối loạn chuyển hoá axit béo.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 8/9, sản phụ Đ.T.Y. (SN 1991, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) mang song thai 38 tuần lần 3 trên IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) vào nhập viện tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc.

Sản phụ được mổ lấy thai lúc 7h30 ngày 9/9. Hai bé trai chào đời cân nặng lần lượt là 2,9kg và 3kg.

Sau sinh, sản phụ và 2 bé khỏe mạnh. Đến khoảng 10h ngày 10/9, 2 bé được tiêm vaccine viêm gan B.

Nguyên nhân khiến bé sơ sinh ở Vĩnh Phúc tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B? -0
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, nơi điều trị cho hai bé.

Đến 11h45, 1 trong 2 bé đột ngột tím tái, xuất hiện tình trạng khó thở, suy hô hấp và được các bác sĩ cấp cứu. Tuy nhiên, bé đã tử vong.

Đến 15h, bé còn lại cũng xuất hiện triệu chứng tương tự và được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc cấp cứu, sau đó chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị. 

Vaccine được sử dụng để tiêm cho 2 bé sơ sinh là vaccine viêm gan B trong chương trình tiêm chủng mở rộng, được khuyến cáo tiêm trong 24h sau sinh. 

Sau khi một trẻ được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ kết quả xét nghiệm gene của trẻ, các bác sĩ xác định, nguyên nhân là do trẻ rối loạn chuyển hóa axít béo. Đây là 1 trong 2 phổ của rối loạn chuyển hoán bẩm sinh ở trẻ. 

Rối loạn chuyển hóa acid béo ở trẻ sơ sinh là một trong những bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp chỉ có thể phát hiện khi xét nghiệm bằng gen chuyên sâu.

Như vậy, cháu bé tử vong bất thường không phải do tiêm vaccine viêm gan B. 

Vài năm trở lại đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đã gặp 10 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B, nhưng nguyên nhân không phải do tiêm phòng vaccine mà thời gian tiêm viêm gan B sau 1 ngày trẻ sinh, trùng với thời gian triệu chứng của của rối loạn chuyển hóa bẩm sinh thường nặng lên sau 1 ngày trẻ sinh. 

Hiện bé sơ sinh còn lại đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tiêm phòng vaccine viêm gan B sau sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con. Trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ chết vì ung thư gan và xơ gan.

Việc tiêm vaccine thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày, giảm từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Theo chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine viêm gan B rất an toàn và đã được tiêm ở nhiều nước trên thế giới.

Sau khi tiêm, trẻ có thể có các phản ứng thông thường như đau tại chỗ tiêm là 3 - 9%, sốt trên 37,7 độ C là 0,4 - 8%.

Sốc phản vệ là phản ứng hiếm gặp được ghi nhận với tỷ lệ ước tính là 1 trường hợp trên 600.000 - 1.000.000 liều vaccine.

Trần Hằng
.
.
.