Người bệnh thiệt thòi khi phải mua thuốc ngoài bệnh viện

Thứ Bảy, 16/12/2023, 12:19

Thiếu thuốc, vật tư y tế trong một thời gian dài khiến hàng nghìn người bệnh phải chi tiền túi mua ngoài. Vất vả hơn, nhiều bệnh nhân phải ra bệnh viện tư để mổ mắt khi Bệnh viện Mắt Trung ương không có vật tư, tạo gánh nặng lớn cho người bệnh. Quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi bệnh viện để xảy ra thiếu thuốc.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu đã chất vấn về việc người bệnh có được hoàn trả tiền đã chi mua thuốc ngoài hay không, nếu tiếp tục tái diễn tình trạng thiếu thuốc, để người dân đi khám, chữa bệnh bằng BHYT phải tự mua thuốc điều trị, cần có cơ chế hoàn trả để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT hay không?

Chi tiền tỷ mua thuốc ngoài

Một người mẹ có con bị ung thư máu phải điều trị hoá chất, đến lần truyền thứ 5 bệnh viện hết thuốc, buộc phải kê thuốc ngoài danh mục BHYT. Mỗi lần truyền chi phí từ 7-10 triệu đồng, thậm chí có loại hoá chất đắt hơn, nhưng người bệnh buộc phải mua. Một nam bệnh nhân khác bị ung thư dạ dày cho biết, nếu truyền hoá chất trong danh mục BHYT chỉ hết hơn 8 triệu/lần, nhưng có lần hết thuốc, phải mua ngoài.

“Có loại 30 triệu/lần truyền, nhưng bác sĩ kê loại rẻ hơn, vì tôi không đủ tiền”, nam bệnh nhân kể lại.

Người bệnh thiệt thòi khi phải mua thuốc ngoài bệnh viện -0
Người dân phải bỏ tiền túi mua thuốc ngoài khi bệnh viện không có.

Thời gian qua, rất nhiều người bệnh phải chi tiền túi từ 30-50 triệu đồng ra mổ mắt ở bệnh viện tư khi Bệnh viện Mắt Trung ương không có vật tư. Một ca thay đục thuỷ tinh thể, nếu BHYT chi trả, chỉ mất khoảng 5 triệu đồng. Nhưng nếu mổ ở bệnh viện tư, giá thành gấp 8-10 lần. Chi phí bỏ tiền túi để mổ mắt rất lớn, tạo gánh nặng cho gia đình người bệnh, đặc biệt là người bệnh nghèo. Hàng nghìn bệnh nhân đi viện khám, chữa bệnh trong thời gian qua phải mua thuốc bên ngoài với số tiền khổng lồ, gây nhiều khó khăn trong khi theo quy định thì quyền lợi bệnh nhân phải được đảm bảo, nhất là người tham gia BHYT.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, quyền lợi của người tham gia BHYT cần phải được đảm bảo, song hiện nay chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán BHYT cho bệnh nhân khi ra ngoài mua thuốc. Để giải quyết vấn đề nóng này, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia BHYT.

Theo dự thảo, người bệnh đi mua thuốc, vật tư bên ngoài khi bệnh viện thiếu, sẽ được quỹ BHYT thanh toán, thay vì bỏ tiền túi như hiện nay. Dự thảo Thông tư đang được họp bàn với các cơ quan, đơn vị liên quan và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để sớm đưa vào triển khai.

Năm 2024 sẽ chi trả đơn thuốc mua ngoài cho người dân

Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), Dự thảo Thông tư mà Bộ Y tế xây dựng, quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh có đủ một số điều kiện như: Thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT; người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám, chữa bệnh. Ngoài ra, khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế ở bên ngoài, dự thảo quy định để được quỹ BHYT thanh toán, người bệnh phải mua ở các nhà thuốc đã trúng thầu tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào đó.

Khi thực hiện thanh toán, người bệnh hoặc thân nhân người bệnh xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đơn thuốc, vật tư y tế đã được bác sĩ chỉ định cùng hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế. Chi phí mà cơ quan BHYT thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí được ghi trên hóa đơn hợp pháp của người bệnh mà nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng cung cấp và theo mức hưởng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.

Điều người dân quan tâm nhất là họ không biết nhà thuốc nào đã trúng thầu để mua thuốc, vật tư y tế để được quỹ BHYT thanh toán. Theo bà Vũ Nữ Anh, Vụ BHYT, trong Dự thảo Thông tư đưa ra không quy định nhất thiết người dân phải mua thuốc trực tiếp tại nhà thuốc bệnh viện mà mình đăng ký khám, chữa bệnh. Theo đó, được mua tại bất kỳ nhà thuốc bệnh viện và đơn vị trúng thầu thuốc, vật tư y tế nào với lý do bệnh viện không có đủ thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, đều được thanh toán từ quỹ BHYT.

“Phạm vi như vậy rất rộng so với hiện nay khi người dân chỉ được nhận thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà họ đăng ký khám BHYT ”, bà Nữ Anh giải thích thêm. Đại diện Vụ BHYT cũng khẳng định, điều kiện áp dụng phải là những trường hợp có lý do khách quan cơ sở khám, chữa bệnh chưa mua được thuốc để cung ứng cho người bệnh, nếu nguyên nhân thiếu thuốc do chủ quan bệnh viện không thực hiện mua sắm đúng quy định thì không được thanh toán.

“Điều kiện này nhằm nâng cao trách nhiệm của bệnh viện phải đấu thầu, mua sắm để cung ứng đủ thuốc cho người bệnh”, bà Nữ Anh cho biết.

Để biết đâu là nguyên nhân chủ quan bệnh viện không có đủ thuốc cho người bệnh, đại diện Vụ BHYT cho biết: “Hiện đã có những quy định pháp luật liên quan đến mua sắm đấu thầu, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT trong y tế, sẽ áp dụng để xử lý cơ sở y tế không thực hiện mua sắm theo quy định”, bà Nữ Anh nói.

Theo Dự thảo Thông tư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm hướng dẫn người dân đến nhà thuốc của bệnh viện khác và đơn vị nhà thuốc trúng thầu để mua thuốc, vật tư y tế. Điều này không tạo gánh nặng cho bác sĩ, trong hệ thống cơ sở y tế sẽ chia sẻ thông tin, bác sĩ sẽ biết nơi nào còn thuốc để hướng dẫn người dân đi mua.

Theo lộ trình, Thông tư sẽ ban hành trong năm 2024. Thời gian để người bệnh mua thuốc ngoài được thanh toán với BHYT tối đa 40 ngày. Nhiều người đặt câu hỏi, với trường hợp đã mua thuốc ngoài trước khi Thông tư có hiệu lực thì có được thanh toán hay không? Đại diện Vụ BHYT cho biết, tuy Dự thảo chưa quy định cụ thể trong thời điểm nào mua thuốc sẽ được thanh toán, nhưng sau ngày Thông tư có hiệu lực, nếu người bệnh có đầy đủ hồ sơ thủ tục thì vẫn đến cơ quan BHXH để thanh toán.

Giải pháp nào để người bệnh không bị phiền hà khi xin chuyển tuyến?

Thời gian qua, nhiều bệnh nhân phản ánh, họ bị bệnh hiểm nghèo (ung thư) khi điều trị ở tuyến trên, có lịch hẹn tái khám, nhưng khi đến lịch khám, lại buộc phải quay về tuyến dưới để xin giấy chuyển tuyến. Với thủ tục phiền hà, nhiều người không xin được chuyển tuyến, dù còn khó khăn về kinh tế, nhưng vẫn từ bỏ xin giấy chuyển tuyến, thậm chí bỏ tái khám, gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bộ Y tế, cho biết, Bộ Y tế đã nắm được thực trạng này và đang có nhiều giải pháp được triển khai. Hiện Bộ Y tế đã có Chỉ thị 25/CT_BYT năm 2020 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, trong đó yêu cầu các cơ sở phải phân luồng hẹn tái khám. Đồng thời cũng có các bộ phận thường xuyên đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh phân luồng hẹn tái khám để không có quá nhiều bệnh nhân dồn ứ trong cùng một thời điểm gây kéo dài thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng theo bà Trang là Bộ Y tế đang nghiên cứu để có những thủ tục đơn giản hơn trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến.

Theo đó, về giấy hẹn khám lại, Bộ Y tế đang nghiên cứu theo hướng thay vì lãnh đạo ký như Giám đốc bệnh viện ký giấy thì có thể phân cấp cho các khoa, phòng trực tiếp khám cho người bệnh để người dân không phải chờ đợi.

“Hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT cũng đã có quy định liên quan giấy hẹn tái khám, trong đó có các giải pháp như nếu người bệnh không thể quay lại trong vòng 10 ngày, có thể liên hệ cơ sở khám để có giấy hẹn khác để không phải chờ đợi”, bà Trang nói.

Để thuận lợi hơn, Bộ Y tế sẽ ứng dụng công nghệ truyền thông và số hóa các giấy tờ như giấy chuyển tuyến, giấy ra viện và khám lại. Hiện đơn vị này đang xin ý kiến các cơ sở khám, chữa bệnh và bảo hiểm xã hội. “Nếu được các cơ sở đồng ý triển khai, Bộ Y tế sẽ cho chạy thử 6 tháng, rút ngắn thời gian hơn cho người bệnh. Sau thời gian 6 tháng nếu khả thi, Bộ Y tế sẽ có điều chỉnh và ban hành chính thức, giảm phiền hà cho người bệnh", bà Trang cho biết.

Một giải pháp đang được Bộ Y tế nghiên cứu là thực hiện ký các giấy này bằng bản điện tử để nhanh hơn. Theo đó, lãnh đạo các khoa, phòng có thể ký được dù ở đâu. Hiện đang là thời điểm cuối năm, đối với các văn bản khám, chữa bệnh như giấy chuyển tuyến, giấy khám lại, các cơ sở sẽ cấp luôn trong tháng 12 năm nay, không phải chờ đến tháng 1 mới ký.

T.H

Trần Hằng
.
.
.