Hàng loạt bệnh viện tiếp tục thiếu vật tư, hoá chất nghiêm trọng

Phải xác định rõ trách nhiệm, giải quyết dứt điểm tồn tại (Bài cuối)

Thứ Bảy, 04/03/2023, 08:54

Từ đầu tháng 3, Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ xếp lịch, ưu tiên mổ cấp cứu vì cạn kiệt vật tư, hoá chất. Bệnh viện Chợ Rẫy có nguy cơ đóng cửa vì nhiều máy mượn hỏng hoặc đắp chiếu do không thực hiện đấu thầu mua sắm mới trang thiết bị y tế và sữa chữa, bảo trì… đã khiến người bệnh cực kỳ lo lắng.

334711080_868125484246376_1367733084820888492_n.jpg -0
Cần sớm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Trong khi nhiều bệnh viện đầu ngành đều thiếu thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao… thì việc tìm giải pháp để cho vấn đề này đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Trước sức “nóng” của việc liên quan đến sức khoẻ, tính mạng người bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu Bộ Y tế trong quý I phải khắc phục tình trạng này, tránh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Liệu tình trạng có được giải quyết dứt điểm hay không?

Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu hạn chế mổ phiên

Nhận được thông tin từ 1/3, Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên mổ cấp cứu, chỉ chỉ định xét nghiệm khi thực sự cần thiết, do thiếu vật tư, hoá chất… đã khiến nhiều người bệnh, người nhà người bệnh lo lắng. Chị Tạ Thị Ngân (Thanh Trì, Hà Nội) có em trai bị tai nạn lao động đang điều trị cho biết: “Biết được tin này trên báo chí, tôi rất lo lắng, cả nhà tôi ai cũng lo. Trưa nay vào phòng bệnh, em tôi kêu đau nhức lắm”. Em trai chị Ngân bị tai nạn lao động, bị gãy xương tại 3 vị trí tay phải, đã được mổ 1 vị trí, còn 1 vị trí trên cẳng tay.

Một nam bệnh nhân khác bị chấn thương cho biết, ông nhập viện nhưng chưa tới lịch mổ. “Chân nhức rất đau, càng nằm lâu càng khó chịu, nhất là cảnh chật chội, người nhà trông nom rất khổ”, bệnh nhân này nói. Tương tự, người nhà một bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào nhập viện rất lo lắng: “Nếu hết vật tư, hoá chất thì rất nguy hiểm”.

Bệnh viện Việt Đức đang đứng trước bối cảnh cạn kiệt nguồn vật tư, hoá chất trong khi không thể đấu thầu, mua sắm bởi có nhiều vướng mắc về thủ tục. Hiện tại, bệnh viện còn hoá chất khí máu chỉ đủ dùng gần một tuần, hoá chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Cách đây ít hôm, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, tình hình thiếu hoá chất, vật tư y tế là việc “cấp cứu của cấp cứu”, cần được tháo gỡ ngay, nếu không bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu hóa chất do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, việc thanh toán BHYT với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp được cho phép. Nhưng Nghị quyết 144 quy định các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được BHYT chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức máy mượn, máy đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt. Đặc biệt, những hóa chất quan trọng và ảnh hưởng đến cấp cứu, khám, điều trị bệnh nhân như công thức máu, đông máu, Mg… đã hết số lượng thầu.

Ngoài phẫu thuật và điều trị sau phẫu thuật, Bệnh viện Việt Đức còn được biết đến là trung tâm ghép tạng lớn nhất cả nước. Việc hết vật tư, hóa chất ảnh hưởng lớn đến hoạt động ghép tạng – nơi mà sinh mạng người bệnh được tính bằng giờ, bằng phút. Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Việt Đức - PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa cho biết: Hiện nay nhiều bệnh nhân của các bệnh viện ở Hà Nội cũng đến Bệnh viện Việt Đức đăng ký ghép tạng. Nhưng không thể vì thiếu thuốc mà ngừng ghép. “Chúng tôi phải tìm giải pháp khác như giãn số lần xét nghiệm, sử dụng một số kinh nghiệm trong quá trình điều trị để nồng độ thuốc ổn định cho người bệnh… Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, không phải giải pháp cơ bản. Chúng tôi mong muốn sớm có giải pháp đáp ứng được đầy đủ hoá chất, trang thiết bị thì ghép tạng mới suôn sẻ. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh”, PGS Nghĩa bày tỏ. 

Tương tự, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng báo cáo trong thời gian tới bệnh viện có nguy cơ phải đóng cửa nếu những vướng mắc khi thực hiện việc mua sắm trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT không được giải quyết. Theo tìm hiểu, nhiều người bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy phải tự mua thiết bị y tế, lẽ ra thiết bị này được BHYT chi trả, nhưng vì bệnh viện không có nên người bệnh phải chịu cảnh “thiệt đơn, thiệt kép”.

Tâm lý ngần ngại đấu thầu?

Trước hàng loạt bệnh viện kêu thiếu vật tư, hoá chất, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo gửi Chính phủ. Bên cạnh những vướng mắc liên quan đến các văn bản pháp luật, Bộ Y tế cho rằng, tình trạng này xảy ra do có tâm lý e ngại trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu ở các đơn vị, nhất là việc xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu (tham khảo giá), lựa chọn hình thức chỉ định thầu; vướng mắc trong kê khai giá trang thiết bị y tế theo Nghị định số 98/NĐ-CP. Vì vậy, thời gian qua, tình trạng một số bệnh viện “kêu cứu” vì thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đã diễn ra.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng (Hà Nội), trước đây các bệnh viện vẫn đấu thầu, vẫn mua sắm, không thấy nơi nào kêu thiếu. Nay hầu hết đều e ngại, có nơi không dám đấu thầu, dẫn đến cả năm bệnh viện không mổ, bàn mổ “phơi sương”, bệnh nhân phải ra bệnh viện tư để mổ tốn kém chi phí lớn. Bệnh viện thiếu hoá chất, vật tư trầm trọng, chỉ khổ người bệnh phải bỏ tiền túi ra bệnh viện tư. “Tình trạng này không thể kéo dài được nữa, người bệnh đã khổ quá rồi”, ông Hùng nói.

Hiện nay, nhiều bệnh viện ngần ngại về xây dựng giá và lựa chọn nhà thầu, bởi cùng một thiết bị mổ tim, nhưng hai bệnh viện lại mua hai giá khác nhau, sợ bị cho là “thổi giá” nên ngần ngại không đấu thầu. Theo một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, cần đưa trang thiết bị, hoá chất, vật tư y tế vào mặt hàng được nhà nước quản lý giá, lúc đó có giá trần, các bệnh viện căn cứ vào giá đó để đấu thầu. Vị này cũng cho biết thêm, các bệnh viện rất mong thiết bị, vật tư y tế này được đưa vào danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, để tạo hành lang cho mua sắm, để không vướng vào vấn đề “thổi giá”.

Tại tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào tháng 8 năm ngoái, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng: Để tháo gỡ các vấn đề thiếu thuốc, Chính phủ cần xem xét cơ chế, chính sách, vướng ở đâu để tập trung rà soát lại ngay; cần có lộ trình và đừng lâu quá. Thứ hai cần sự dũng cảm của các bác sĩ, người đứng đầu bệnh viện. Hãy vào cuộc với động cơ trong sáng thì các bệnh viện sẽ tìm được thuốc với giá hợp lý.

Không để kéo dài thiếu thuốc, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh

Trước vấn đề nóng ảnh hưởng tới toàn dân nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở khám, chữa bệnh trong quý I/2023; tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám chịu trách nhiệm. Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế trong tháng 3/2023.

Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có cuộc họp khẩn với 3 Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư để tìm giải pháp tháo gỡ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là vấn đề hết sức nóng bỏng, bức xúc của cuộc sống, liên quan trực tiếp đến từng người dân. Các bộ, ngành phải làm hết sức quyết liệt, “trong tình huống cấp cứu phải rất kịp thời” bởi tình trạng văn bản còn có nhiều vướng mắc, bất cập. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để thiết kế, đưa vào dự thảo nghị định phương án hậu kiểm thay thế cho phương thức tiền kiểm, thẩm định trong quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, cấp số đăng ký lưu hành; làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép; trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay trong tháng 2.

Phó Thủ tướng cho rằng, chủ trương đấu thầu tập trung là hết sức cần thiết. Danh mục đấu thầu thuốc tập trung cần xác định theo tiêu chí sử dụng ở mọi bệnh viện, sử dụng phổ biến, tỷ trọng thuốc sử dụng lớn so với các thuốc khác, còn những loại biệt dược chỉ sử dụng tại một số đơn vị thì thực hiện đấu thầu chuyên ngành, phù hợp thực tế từng đơn vị. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, đưa vào Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 144/NQ-CP về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi); thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với máy móc, trang thiết bị xã hội hóa trong bệnh viện công lập; phương thức lập gói thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế kèm theo cung cấp máy móc thực hiện xét nghiệm…

Không để người bệnh thiệt thòi, bị ảnh hưởng hơn nữa, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ Y tế cần có giải pháp sớm tìm được “hướng ra”, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt tránh tình trạng đùn đầy, né tránh trách nhiệm tại các bệnh viện và các đơn vị chức năng.

Trần Hằng
.
.
.