Tăng đột biến viêm phổi ở trẻ em

Thứ Năm, 08/06/2023, 07:00

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều trẻ em phải nhập viện vì viêm phổi, trong đó có nhiều trường hợp đến viện đã viêm cả 2 thuỳ phổi, suy hô hấp phải điều trị tích cực do chủ quan của cha mẹ.

Nhiều cha mẹ thấy con ho, sổ mũi, sốt, nghĩ con chỉ viêm đường hô hấp thông thường, tự mua kháng sinh về điều trị, tới khi bệnh nặng không khỏi mới đưa vào viện. Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp nặng, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng thường gặp nhất, dễ dẫn đến biến chứng nặng và tử vong hơn.

Tăng bất thường bệnh nhi nhập viện

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh viện ghi số ca viêm phổi ở trẻ em gia tăng đột biến, với khoảng 100 ca mắc, trong đó viêm thuỳ phổi chiếm 1/3 số ca mắc. Đặc biệt có những trường hợp bệnh nhi nhập viện đã trong tình trạng nặng, mờ hai thùy phổi, suy hô hấp phải điều trị tích cực do sự chủ quan của gia đình. Điển hình là trường hợp của bệnh nhi N.H.T.P (5 tuổi, ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long), vào viện ngày thứ 5 trong tình trạng sốt cao liên tục, ho nhiều đờm. Nghĩ con chỉ viêm đường hô hấp trên bình thường nên gia đình tự điều trị tại nhà, mua kháng sinh không rõ loại về cho con uống. Thấy bệnh con không đỡ, ho nặng tiếng và tiếp tục sốt cao 39 – 40 độ C, gia đình vội vã đưa con vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Qua chụp X-quang có đám mờ thùy giữa phổi phải, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi thùy và phải điều trị tích cực 1 tuần mới đỡ.

Viêm phổi thùy là tình trạng tổn thương viêm một số thùy của một hoặc cả hai phổi. Nguyên nhân gây bệnh hàng đầu là do vi khuẩn, virus là nguyên nhân phổ biến thứ 2, ngoài ra kí sinh trùng cũng có thể gây viêm phổi thùy. BS Trần Nhị Hà, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, số ca viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi thùy ở trẻ gia tăng nhanh chóng, chủ yếu là trẻ trên 5 tuổi. Nguyên nhân viêm phổi được xác định do vi khuẩn không điển hình xâm nhập và lây lan qua đường hô hấp. Thông thường bệnh viêm phổi xuất hiện rải rác quanh năm, tuy nhiên khoảng 1 tháng trở lại đây số ca viêm phổi tăng đột biến bất thường so với mọi năm. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn khi thấy các con có các triệu chứng sốt ho đợt này”.

Tương tự tại Hà Nội, những bệnh viện có chuyên khoa Nhi như Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng ghi nhận các ca viêm phổi vào nhập viện. “Ban đầu cháu chỉ hung hắng ho, sụt sịt, không sốt, nghĩ con chỉ bị viêm đường hô hấp do thời tiết nóng, ở phòng điều hoà nhiều nên tôi mua thuốc ho và kháng sinh về cho con uống. Nhưng cháu không đỡ mà ngày càng ho mạnh hơn, thở khò khè, quấy khóc, ăn kém, sốt cao. Cho con tới bệnh viện, chụp X-quang mới biết con đã viêm phổi”, một phụ huynh cho con đến khám ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết.

Theo BS Hà, đa số viêm phổi không điển hình ở trẻ sẽ có triệu chứng ban đầu giống bị viêm đường hô hấp, như: sốt nhẹ, chảy mũi, ho khan... Vài ngày sau đó, trẻ bị viêm phổi có thể sốt cao liên tục từ 39 đến 40 độ C, mệt mỏi, ăn uống kém, ho nhiều, ho thành cơn, đờm đặc đi kèm khó thở, thở nhanh. Ngoài ra, những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ. Trong giai đoạn này, nếu không điều trị đúng cách, kịp thời, bệnh có thể có những biến chứng nặng, như: áp xe phổi, xẹp phổi, tràn dịch, tràn mủ màng phổi hay màng tim, thậm chí có thể gây nhiễm trùng ngoài phổi là viêm não, nhiễm khuẩn huyết...

1.jpg -0
Tăng đột biến bệnh nhi bị viêm phổi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

“Thủ phạm” nào gây bệnh viêm phổi ở trẻ em?

Từ đầu tháng 5 tới nay, tại Hà Nội và nhiều địa phương ở phía Bắc ghi nhận sự gia tăng đột biến của trẻ mắc viêm phổi do Mycoplasma. Điều đáng chú ý, nhiều gia đình cũng nghĩ con ốm sốt thông thường do thời tiết, tự mua kháng sinh kèm thuốc ho về điều trị. Chỉ tới khi triệu chứng không đỡ, cơn sốt không dứt, mới vội vàng đưa con đi khám, kết quả con bị viêm phổi do Mycoplasma. Do triệu chứng không điển hình nên cha mẹ dễ nhầm lẫn với ốm sốt thông thường, dẫn tới xử trí sai cách, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Theo ThS.BS Ngô Thị Cam, Chuyên Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, đáng tiếc bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ vào viện trong tình trạng gia đình tự mua thuốc điều trị cho con. Bởi nhiều người chủ quan không biết, viêm phổi do Mycoplasma là một bệnh nhiễm trùng ở phổi khá phổ biến, do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae gây ra. Đây là bệnh viêm phổi với các triệu chứng không điển hình, nên thường bị bỏ qua giai đoạn đầu hoặc điều trị theo kinh nghiệm, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong.

Ngoài ra, “thủ phạm” gây viêm phổi ở trẻ nhỏ nguy hiểm và thường gặp nữa là vi khuẩn phế cầu. Vi khuẩn này được lan truyền nhiều nhất qua đường hô hấp và lây lan thông qua tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khoẻ mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong người.

“Viêm phổi ở trẻ diễn biến khó lường, có những trường hợp triệu chứng nhẹ, 2 ngày đầu chỉ sốt nhẹ, chảy mũi, không ho, nhưng đến ngày thứ 3 đi khám chụp phổi đã mờ. Bên cạnh đó, bệnh viện còn tiếp nhận không ít trường hợp gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà, hoặc đi khám tại phòng khám tư không phát hiện viêm phổi nên chỉ cho dùng thuốc cảm sốt thông thường, đến khi vào viện bệnh đã trở nặng, phổi chụp X-quang mờ ở cả hai thùy phổi, suy hô hấp. Những trường hợp nặng nề như vậy phải sử dụng phương pháp điều trị tích cực dài ngày”, BS Trần Nhị Hà cho hay.

Viêm phổi là bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, để phòng ngừa, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ tiêm chủng vaccine phòng bệnh cho trẻ. Vi khuẩn phế cầu – tác nhân phổ biến gây bệnh viêm phổi đã có vaccine phòng ngừa, được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi.

Trần Hằng
.
.
.