Tự sử dụng thuốc kháng sinh, hậu quả khôn lường

Thứ Bảy, 20/11/2021, 10:06

Lạm dụng kháng sinh trong kê đơn thuốc hoặc kê đơn kháng sinh không phù hợp với bệnh; tự ý mua kháng sinh về điều trị; dùng đơn của người khác để sử dụng cho mình; sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi để kích thích tăng trưởng… là những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh, hậu quả nhiều ca bệnh tử vong do kháng thuốc.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tăng cường kêu gọi người dân sử dụng kháng sinh có trách nhiệm; kêu gọi Việt Nam lan tỏa Chiến dịch Xanh nhằm nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh.

Kháng kháng sinh ngày một trầm trọng

Bị đau họng, chị Trần Ngọc Hà, ở Tây Hồ (Hà Nội) chạy ngay ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc kháng sinh Zinnat 500mg về uống. Nhân viên bán thuốc không hỏi đơn của bác sĩ, chỉ hỏi triệu chứng của khách là bán luôn. Việc người dân tự ý làm bác sĩ là một tồn tại nhiều năm nay, cứ ốm là mua thuốc mà không đi khám. Việc người dân tự ý mua kháng sinh về sử dụng là nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh ngày một gia tăng.

taixe-1637377664939.jpg
Người dân cần nâng cao nhận thức, không tự ý mua thuốc kháng sinh về sử dụng khi không có đơn của bác sĩ.

Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, trung bình có khoảng 40-60% ca chuyển tuyến đến viện phải đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh. Những năm trước, tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh từ tuyến dưới chỉ gặp vài ca, nhưng đến nay, nhiều ca chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai khi được cấy vi khuẩn ngay từ lúc vừa mới tiếp nhận đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc. Như vậy, tình trạng bệnh nhân kháng thuốc xảy ra nhiều bệnh viện chứ không chỉ ở trung tâm lớn.

Nhiều bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đang là một thực trạng đáng buồn. Có bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng lên nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện. Theo các bác sĩ, hiện nay tình trạng tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị của người dân rất đáng báo động. Đặc biệt với những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng như người có tiền sử đái tháo đường, gút như bệnh nhân này thì khi đã tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiều, khi có bệnh lý do vi khuẩn sẽ rất dễ kháng kháng sinh.

Hơn 1 năm qua, Việt Nam phải đối mặt với đại dịch COVID-19, việc sử thuốc kháng sinh sai cách trong đại dịch có thể dẫn đến sự xuất hiện và lan rộng nhanh chóng của tình trạng kháng thuốc. COVID-19 là do virus gây ra, không phải do vi khuẩn và do đó không nên sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm virus, trừ khi cũng có nhiễm khuẩn.

Không chỉ thế, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt cũng là mối quan tâm lớn, là nguy cơ làm xuất hiện và lây lan vi sinh vật kháng kháng sinh. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Chúng tôi đã loại bỏ việc sử dụng chất kháng khuẩn để kích thích tăng trưởng và đang làm việc với các nhà sản xuất để duy trì sức khỏe, phúc lợi và năng suất vật nuôi. Chúng tôi kêu gọi các chuyên gia nông nghiệp và thú y chỉ sử dụng các chất kháng khuẩn chất lượng cao được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế vàđược bán do  các nhà phân phối được ủy quyền”.

Có vi khuẩn kháng thuốc trên 30%

Theo TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), mức độ kháng kháng sinh tại nước ta đang hết sức trầm trọng, đó là những kháng sinh đặc hiệu, phổ rộng và kháng sinh mới, có hiệu lực rất cao nhưng các vi khuẩn đã kháng rồi. Có con vi khuẩn kháng thuốc trên 30%, nếu trẻ em nhiễm con vi khuẩn này thì khó có thể có thuốc điều trị và nguy cơ tử vong rất cao. Thêm vào đó bệnh truyền nhiễm, những bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, đặc biệt đại dịch COVID-19 là vấn đề nhức nhối hơn cho tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.

Theo Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cảnh báo: Tình trạng kháng thuốc kháng sinh là mối đe dọa cơ bản đối với sức khỏe con người và là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Lượng tiêu thụ thuốc kháng sinh trên toàn cầu ở người đã tăng lên trong hai thập kỷ qua, chủ yếu là do việc sử dụng kháng sinh ngày càng tăng ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Đại dịch COVID-19 càng làm trầm trọng hơn việc lạm dụng và dùng thuốc kháng sinh không đúng cách.

Vậy, làm gì để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh cả trong khám, chữa bệnh và trong trồng trọt, chăn nuôi? Theo TS Kidong Park, vấn đề kháng thuốc kháng sinh phải được giải quyết gấp, thông qua cách tiếp cận Một sức khỏe liên quan đến các cam kết lâu dài, mạnh mẽ từ các chính phủ và các bên liên quan khác. WHO tiếp tục sẵn sàng hỗ trợ chính phủ trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận và hiệu quả của các loại thuốc thiết yếu này trong tương lai.

Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thì cho rằng, hơn 1 năm qua, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Việt Nam, vấn đề nâng cao hiểu biết, nhận thức của mọi tầng lớp người dân về việc sử dụng thuốc kháng sinh 5 đúng: Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian, càng cần thiết được nâng cao.

Hơn bao giờ hết, việc đối phó với kiểm soát dịch bệnh cũng như phòng chống kháng thuốc ngày càng trở nên quan trọng. Các Sở Y tế các cấp, từ Trung ương đến địa phương cần tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao, tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý góp phần vào công cuộc phòng chống kháng thuốc, trong điều trị và cho tương lai.

Mỗi năm, mặc dù hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng kháng kháng sinh, nhưng rất ít người biết về vấn đề này. Năm nay, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, WHO và FAO đang kêu gọi các cá nhân, cộng đồng và tổ chức tham gia Chiến dịch Xanh để nâng cao nhận thức về kháng kháng thuốc và các loại thuốc mà người dân cần cùng nhau duy trì.

Trần Hằng
.
.
.