Những năm tháng hào hùng của lực lượng An ninh Bà Rịa - Long Khánh

Thứ Năm, 25/04/2024, 05:13

Trong suốt chặng đường lịch sử 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975), lực lượng An ninh miền Nam nói chung và An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh nói riêng (một trong những tổ chức tiền thân của Công an hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay) đã góp phần lập nên nhiều chiến công xuất sắc... 

Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiến về giải phóng Sài Gòn

Để tri ân, phát huy truyền thống đấu tranh hào hùng của lực lượng An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh thời chống Mỹ, từ năm 2010, Công an hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất lấy ngày 30/4 hàng năm là Ngày truyền thống của lực lượng An ninh Bà Rịa - Long Khánh. Ban Liên lạc An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh đã duy trì việc tổ chức họp mặt hàng năm (do Ban Giám đốc Công an hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu luân phiên đứng ra tổ chức) tại Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh được xây dựng tại xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

an ninh (1).jpg -0
Lãnh đạo Công an hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai cùng các đại biểu tại buổi Họp mặt truyền thống lực lượng An ninh Bà Rịa - Long Khánh (năm 2023).

Năm nay, kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2024), cũng là dịp kỷ niệm 14 năm Ban liên lạc An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh được thành lập và hoạt động (27/4/2010 - 27/4/2024). Những cán bộ chiến sĩ An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh năm xưa giờ đây tuy người còn, người mất, có người phải chống chọi với thương tật, đau yếu... nhưng mỗi khi có dịp họp mặt, bao kỷ niệm những ngày chiến đấu lại hiện về, tình đồng chí, đồng đội càng thêm bền chặt keo sơn.

Trong những năm chiến tranh, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa là cửa ngõ phía Đông Bắc Sài Gòn, nơi đây địch xây dựng thành một trung tâm chỉ huy đánh phá cách mạng ở miền Đông Nam Bộ, lập “phòng tuyến thép” cuối cùng để bảo vệ chế độ Sài Gòn trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh.

Thời kỳ này, lực lượng An ninh Bà Rịa - Long Khánh đã làm tốt công tác nắm tình hình, bảo vệ an toàn vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng, các cơ quan lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang. Đồng thời, phối hợp cùng các địa phương, lực lượng của các ngành, các cấp và phong trào quần chúng nhân dân diệt ác phá kềm, phục vụ các chiến dịch lớn, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…

Theo Đại tá Đinh Xuân Ngọ, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng An ninh Bà Rịa - Long Khánh đã thể hiện vai trò xung kích và là một trong những lực lượng nòng cốt của tỉnh, cùng quân dân toàn tỉnh giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của giặc, góp phần đánh bại một bước chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, buộc chúng phải hủy bỏ kế hoạch “tìm diệt” và “bình định”, chuyển sang kế hoạch phòng ngự bị động “quét và giữ” trên toàn miền Nam nói chung, chiến trường Bà Rịa - Long Khánh nói riêng.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo an ninh trước và trong trận quyết chiến, thu thập được những tin tức có giá trị cao, góp phần giúp các cấp lãnh đạo chủ động kế hoạch và đối sách để chỉ đạo kịp thời trong quá trình đấu tranh với địch. Đồng thời cùng với các lực lượng, địa phương góp công không nhỏ đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở toang cánh cửa tiến về giải phóng Sài Gòn, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…

Tri ân sự hy sinh, đóng góp của các thế hệ đi trước

Nói về quá trình hình thành của lực lượng An ninh tỉnh Bà Rịa-Long Khánh, Đại tá Trần Dũng, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trưởng Ban liên lạc An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh cho biết, trước đây Biên Hòa và Bà Rịa là hai đơn vị hành chính khác nhau, nhưng sau chiến dịch Bình Giã (năm 1964) thì Trung ương Cục miền Nam quyết định sáp nhập thị xã Long Khánh với tỉnh Bà Rịa thành một đơn vị là tỉnh Bà Rịa - Long Khánh (từ năm 1965).

Lúc bấy giờ, Tỉnh ủy và Trung ương Cục miền Nam phân công đồng chí Trần Văn Nhượng là Ủy viên Ban Chấp hành tỉnh Bà Rịa sang làm Trưởng Ban An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, cùng với đồng chí Bùi Đình Kiểm (Sáu Bùi) nguyên là Phó Ban An ninh tỉnh Bà Rịa và đồng chí Trần Dân Tiến (tức là Tư Tiến, Tư Nét) nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa, được điều động sang làm Ủy viên Ban An ninh tỉnh Bà Rịa -Long Khánh.

Thời kỳ đó, lãnh đạo Ban An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh có ba đồng chí, và số cán bộ, chiến sĩ chỉ có trên dưới 20 người, với cơ cấu tổ chức Văn phòng Ban An ninh và các Đội trinh sát, Đội bảo vệ…

Theo Đại tá Trần Dũng, An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh trải qua quá trình nhiều lần tách nhập và thay đổi tên gọi đồng thời với quá trình Trung ương Cục miền Nam tách nhập các địa bàn như tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, Phân khu Long - Bà - Biên (gồm Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh), Phân khu Bà Rịa… Thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ cuối năm 1973 cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975, đồng chí Bùi Đình Kiểm làm Trưởng ban An ninh Bà Rịa-Long Khánh, đồng chí Nguyễn Duy Phát làm Phó ban, đồng chí Trần Đệ là Ủy viên…

Nhiều năm sau khi đất nước thống nhất, các thành viên của Ban An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh xưa mong muốn gặp lại nhau. Từ đó, Ban liên lạc An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh được thành lập ngày 27/4/2010 …

Theo Đại tá Trần Dũng, suốt 14 năm từ ngày Ban liên lạc An ninh Bà Rịa - Long Khánh được thành lập với tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên đã vượt qua khó khăn, ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ theo sự tín nhiệm của đồng chí, đồng đội để gắn kết Ban liên lạc cùng với các hội viên…

Ông Võ Thành Tôn (nguyên cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai), Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc cho biết, hiện Ban liên lạc có 20 đồng chí, cùng với trên dưới 300 hội viên. Trong thời gian qua, Ban liên lạc cùng với các hội viên đã tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ, thăm hỏi lẫn nhau vào những dịp lễ, Tết, đau ốm, hiếu hỉ của các hội viên… Mỗi lần họp mặt đều để lại những cảm xúc ấm áp, nghẹn ngào giữa các hội viên.

Đại tá Lê Thanh Phong, Phó Ban liên lạc, nguyên Phó Trưởng Công an huyện Xuyên Mộc, cho biết: “Sau bao năm đất nước hòa bình, chúng tôi được gặp gỡ đồng chí, đồng đội, ôn lại quá trình công tác, chiến đấu. Những ký ức hào hùng năm xưa vẫn còn nguyên đó và tình đồng chí, đồng đội vẫn không thay đổi qua từng lời nói, cử chỉ thân tình dành cho nhau. Chẳng có niềm vui nào hơn thế…”.

Bà Dương Thị Thanh Hương, Ủy viên Ban liên lạc cũng bày tỏ: “Đến giờ tôi vẫn không quên được lần đầu tiên họp mặt, mọi người gặp nhau, ôm nhau mừng mừng tủi tủi, có người không kìm được những giọt nước mắt nghẹn ngào, hạnh phúc…”.

Thượng tá Hoàng Chí Dũng, Phó Trưởng phòng Công tác đảng và công tác chính trị Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chia sẻ: “Hằng năm cứ đến ngày 30/4, các thế hệ của lực lượng An ninh tỉnh Bà Rịa - Long Khánh lại tổ chức họp mặt để ôn lại truyền thống, thăm hỏi… Thông qua các buổi họp mặt, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ cũng bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân đối với các thế hệ đi trước, những hy sinh, đóng góp của các bậc cha chú trong thời kỳ kháng chiến. Đồng thời, thông qua những buổi họp mặt này đã truyền đi một thông điệp đến thế hệ trẻ trong công tác tu dưỡng và rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng với truyền thống hào hùng của thế hệ cha anh đi trước đã đổ xương máu cống hiến cho hòa bình, độc lập ngày nay”.

Phú Lữ
.
.