Giải tỏa áp lực lên tỷ giá

Thứ Tư, 01/05/2024, 08:38

Chỉ trong mấy tháng, tỷ giá đã liên tục tăng nóng tới 4,9% so với đầu năm. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt khó khăn, cơ quan điều hành cũng sẵn sàng phải với các biện pháp “mạnh tay”.

Doanh nghiệp xoay xở ứng phó

Thông tin từ cơ quan điều hành, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng 4,9% so với đầu năm, là mức tăng tương đối mạnh chỉ trong thời gian ngắn. Tuy vậy, Phó thống đốc Tú cho rằng, mức tăng này vẫn thấp nếu so với xu hướng mất giá chung của các đồng tiền khác trên thế giới, thậm chí cả những đồng ngoại tệ mạnh. So với USD, đồng tân Đài tệ đã mất giá 5,96% từ đầu năm; bath Thái mất 7,12%; yen Nhật mất 9,69%; won Hàn Quốc mất giá 7,71%; ringgit Malaysia mất 4,36%... Hay các đồng tiền quy đổi chung như euro cũng mất 3,88%; franc Thụy Sỹ mất giá 8,2%...

Giải tỏa áp lực lên tỷ giá -0
Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá ổn định chứ không cố định.

Tỷ giá tăng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, mỗi tháng Công ty Fine Mold Việt Nam phải chi ra 160 nghìn USD, tương đương 4 tỷ đồng để nhập khẩu thép nguyên liệu, gia công, sản xuất phôi mẫu. Chỉ một đồng tăng thêm của tỷ giá hối đoái, tương đương doanh nghiệp sẽ phải chỉ thêm 200 nghìn đồng chi phí. Tính riêng từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã phải chi thêm 500 triệu đồng để nhập khẩu nguyên liệu. Để duy trì lợi nhuận, doanh nghiệp tính đến phương án tăng giá bán, nhưng rất có thể phải đối mặt với đơn hàng sụt giảm. “Giá bán sẽ phải tăng lên 5-10%, nhưng như thế, chi phí cơ hội để cạnh tranh các doanh nghiệp khác đầu tư tại Việt Nam, thậm chí là ngay cả doanh nghiệp nội cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc File Mold chia sẻ.

Thuyền nhỏ sóng nhỏ, thuyền to sóng lớn, theo chia sẻ của ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cứ tỷ giá tăng 1%, thì chi phí của Tổng công ty tăng thêm 300 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ giá biến động ở mức gần 5% như hiện nay, Vietnam Airlines phải tăng thêm khoảng 1.500 tỷ đồng chi phí trong năm nay. Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, dư nợ vay ngoại tệ của Tập đoàn này hiện tại là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của Tập đoàn tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Doanh nghiệp nhập khẩu kêu khó, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu cũng chẳng khá hơn là mấy. Theo lý thuyết, tỷ giá tăng, đồng nghĩa với doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thu được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tỷ giá đồng USD tăng, đã “nhấn chìm” hàng loạt đồng tiền khác mất giá, nên với những doanh nghiệp xuất khẩu vào những nước có đồng tiền mất giá mạnh sẽ đối mặt với thâm hụt lợi nhuận. Ví dụ như tại Công ty thực phẩm Sao Ta - một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu thủy sản có 40% thị phần ở Nhật Bản, nên khi đồng yên mất giá lớn, doanh nghiệp cũng phải tìm cách xoay xở để bù lợi nhuận.

Doanh nghiệp không nên găm giữ ngoại tệ

Trước thực tế này, NHNN cho biết sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá tiếp tục có tác động bất lợi. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định với nguồn dự trữ ngoại hối hiện nay, nhà điều hành có đủ cơ sở để đảm bảo vai trò quản lý thị trường này, đảm bảo mục tiêu chung trong thời gian tới. “NHNN sẽ duy trì chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt qua điều hành tỷ giá trung tâm, giám sát giao dịch ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, đảm bảo nhu cầu cung ứng cho nền kinh tế”, ông Tú nhấn mạnh. Được biết quý 1 vừa qua, Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD, cũng làm giảm phần nào áp lực lên tỷ giá. Để ổn định cung cầu ngoại tệ, NHNN đã phát hành hơn 200 nghìn tỷ đồng tín phiếu, công khai việc bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm, giảm nhu cầu mua vàng bằng USD. Điều này giúp tỷ giá đã hạ nhiệt khoảng 30 đồng. Và các biện pháp mạnh tay hơn cũng đã sẵn sàng. “Có thể phải dùng dự trữ ngoại hối nếu cần. Hiện nay, dự trữ ngoại hối của chúng ta về cơ bản ổn so với trước đây, tương đương với khoảng 3,34 tháng nhập khẩu và trên chuẩn IMF”, TS Cấn Văn Lực đặt vấn đề.

Trong khi đó, để ổn định được tỷ giá, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập Think Future Consultancy, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Ông Linh cho rằng ngoài yếu tố đồng USD lên giá trên toàn cầu, tại mỗi quốc gia cũng có những nhân tố riêng tác động thêm vào tỷ giá. Với Việt Nam, lãi suất điều hành giảm để thúc đẩy kinh tế là khá khác biệt với phần còn lại của khu vực và thế giới. Việt Nam giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, điều này khiến áp lực với đồng VND bị gia tăng. Theo vị chuyên gia này, có 3 bước để kiểm soát tỷ giá gồm hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng. Bước 2 là bán dự trữ ngoại hối, có thể ít, có thể nhiều để thăm dò và ổn định thị trường. Và bước 3 là tăng lãi suất điều hành trong trường hợp các bước 1 và 2 chưa đủ để hạ nhiệt tỷ giá.

Trở lại với các biện pháp của cơ quan điều hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, NHNN rất quyết liệt trong điều hành tỷ giá. Quan điểm của NHNN là ổn định chứ không phải cố định tỷ giá (tỷ giá lên xuống hài hòa, không để âm trạng thái ngoại tệ). Ngoài tác động khách quan của thế giới, tỷ giá cũng bị tác động bởi một số yếu tố trong nước. Cụ thể, lãi suất giảm sâu thời gian qua khiến chênh lệch lãi suất VND và USD âm trên thị trường liên ngân hàng, khiến tâm lý đầu cơ ngoại tệ quay lại, gây áp lực cho tỷ giá. Ngoài ra, nhập khẩu phục hồi cũng khiến cầu ngoại tệ gia tăng. Tâm lý kỳ vọng cũng là yếu tố gây thêm sức ép cho tỷ giá.

“Lãi suất là một chỉ tiêu phức tạp và đòi hỏi phải điều hành hợp lý, vì lãi suất là yếu tố liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác, trong đó có tỷ giá. Chúng ta không thể hy sinh tỷ giá vì lãi suất mà phải đảm bảo hài hòa lãi suất và tỷ giá trên cơ sở tính toán lợi ích chung của mối quan hệ này cũng như trong mối tương quan với các chỉ tiêu khác. Việc hạ lãi suất phải phù hợp với kinh tế vĩ mô. Do đó, tại thời điểm này, NHNN không đặt ra vấn đề điều chỉnh lãi suất điều hành”, Phó thống đốc cho biết và khuyến nghị, để chung tay giữ ổn định tỷ giá, doanh nghiệp cũng phải phối hợp bằng cách không nên găm giữ ngoại tệ, tránh tạo thêm áp lực cho tỷ giá.

Bá Kiệt
.
.
.