Hà Nội dự kiến giảm 61 xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính

Thứ Năm, 25/04/2024, 15:38

Dự kiến, số lượng đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội giảm sau sắp xếp là 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường tại 20 quận, huyện, thị xã.

Ngày 25/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND TP tháng 4 để xem xét một nội dung theo chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Tại phiên họp, tập thể UBND TP đã biểu quyết thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP.

Hà Nội dự kiến giảm 61 xã, phường sau khi sắp xếp đơn vị hành chính -0
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì cuộc họp. Ảnh: Tiến Thành

Báo cáo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, TP giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện là 30 đơn vị, gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi thực hiện sắp xếp còn 518 đơn vị, gồm 337 xã, 160 phường, 21 thị trấn; số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm do sắp xếp là 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường tại 20 quận, huyện, thị xã.

Theo Phương án số 01/PA-UBND ngày 15/11/2023 của UBND TP, kết quả sau sắp xếp sẽ giữ nguyên đơn vị hành chính cấp huyện; số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm từ 579 đơn vị xuống còn 509 đơn vị, giảm 70 đơn vị. Tuy nhiên, 3 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này, sẽ thực hiện trong Đề án xây dựng huyện lên quận trong thời gian tới. Do vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp xã dự kiến giảm 61 đơn vị.

Về kết quả tổng hợp lấy ý kiến cử tri, tổng số cử tri tham gia cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn Hà Nội là 924.677 cử tri, đạt tỷ lệ 99,02%. Tổng số cử tri đồng ý về việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố đạt tỷ lệ 97%; tổng số cử tri đồng ý về tên gọi đơn vị hành chính mới sau sắp xếp trên địa bàn TP đạt tỷ lệ 96,54%.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn Hà Nội bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn tại địa phương, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả của chính quyền cơ sở, tinh giản biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ nhân dân tốt hơn.

CL
.
.
.