Hôm nay, Quốc hội thông qua dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Thứ Ba, 28/11/2023, 10:06

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở được Chính phủ trình để Quốc hội xem xét thông qua gồm 5 chương, 33 điều, tăng thêm 3 điều so với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Hôm nay (28/11), Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Dự thảo luật Chính phủ trình để Quốc hội xem xét thông qua gồm 5 chương, 33 điều; so với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tăng thêm 3 điều, bổ sung 1 điều về giải thích từ ngữ và tách Điều 13 dự thảo Chính phủ trình để xây dựng thành 3 điều gồm: Điều 14, Điều 15 và Điều 16. Sắp xếp lại bố cục, chỉnh lý nội dung kỹ thuật lập pháp tại nhiều điều khoản khác.

cong_an-1679800390474.jpg -0
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phối hợp với Công an chính quy tuần tra, bảo vệ ANTT.

Trước đó, ngày 23/10, Chính phủ đã có Báo cáo số 599 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu đối với dự thảo luật. Ngày 25/10, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh có văn bản báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến, đa số đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật do Chính phủ trình. Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu.

Theo tính toán của Bộ Công an, việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi kiện toàn 3 lực lượng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng thành một lực lượng thống nhất là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gọn đầu mối, dễ điều hành mà không làm tăng biên chế.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay toàn quốc có 298.688 người tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm: 66.723 bảo vệ dân phố; 70.867 Công an xã bán chuyên trách; 161.098 đội trưởng, đội phó dân phòng. Việc sáp nhập cơ học 3 lực lượng này không làm tăng biên chế. Tính đến hết tháng 12/2012, tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc là 84.721. Nếu thành lập tất cả các tổ bảo vệ ANTT và trung bình mỗi tổ 3 người thì tổng số khoảng 255.000 người, ít hơn số lượng hiện nay.

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, dự thảo luật quy định 6 nhóm nhiệm vụ được quy định từ Điều 7 đến Điều 12 dự thảo luật. Lực lượng này chỉ tham gia hỗ trợ Công an cấp xã, bảo vệ ANTT ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ở địa bàn cơ sở không trùng lặp nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở.

Về chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm khi luật được ban hành, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ, hiện nay mức chi phụ cấp hàng tháng đối với lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách từ 0,3-0,7 mức lương cơ sở; phụ cấp các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng không thấp hơn 15% mức lương tối thiểu và các khoản kinh phí hỗ trợ khác, với tổng kinh phí chi trả cho 3 lực lượng này là 3.570 tỷ đồng/năm. Còn tính theo dự thảo luật, mức chi phụ cấp hàng tháng của tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ ANTT từ 15-25% mức lương tối thiểu vùng; tổ viên là 0,3 mức lương cơ sở và các khoản hỗ trợ bảo hiểm xã hội, các trang thiết bị, với tổng kinh phí chi trả khoảng 3.505 tỷ đồng/năm. Như vậy, kinh phí dự tính theo dự thảo luật không nhiều hơn chi trả hiện nay.  

Phương Thuỷ
.
.
.