Chỉ số phát triển con người ở Gaza thụt lùi 40 năm vì chiến tranh

Thứ Sáu, 03/05/2024, 07:40

Theo đánh giá của Liên hợp quốc (LHQ), mức độ tàn phá ở Gaza là chưa từng có kể từ Thế chiến thứ hai, việc tái thiết sau chiến tranh có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.

Ngân sách phục hồi Gaza có thể cao nhất kể từ Thế chiến thứ Hai -0
Thành phố Khan Yonis ở Gaza bị tàn phá nặng nề do bom đạn Israel. Ảnh Getty Images. 

Abdallah al-Dardari, Giám đốc văn phòng khu vực dành cho các quốc gia Arab tại Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 2/5 nhận định: “Chúng tôi chưa từng thấy điều gì như thế này kể từ năm 1945. Cường độ đó, trong thời gian ngắn và quy mô hủy diệt lớn như vậy”.

Quan chức LHQ này cho biết hơn 70% nhà cửa tại Gaza đã bị phá hủy và khoảng 37 triệu tấn mảnh vụn cần phải được loại bỏ. Để so sánh, trong cuộc chiến Israel-Hamas năm 2014 ở Gaza, khoảng 2,4 triệu tấn mảnh vụn đã được dọn dẹp.

Nhìn chung, mức độ tàn phá cao đến mức UNDP ước tính rằng chỉ số phát triển con người ở Gaza đã thụt lùi 40 năm. Chỉ số này đánh giá các yếu tố bao gồm số năm đi học, trình độ học vấn, sức khỏe và tuổi thọ người dân.

Ông al-Dardari nói: “Tất cả các khoản đầu tư vào phát triển con người… trong 40 năm qua ở Gaza đã bị xóa sổ. Chúng ta gần như đang quay trở lại những năm 1980”.

Quan chức này cũng ước tính tổng chi phí tái thiết sau chiến tranh ở Gaza sẽ tiêu tốn ít nhất là từ 40-50 tỷ USD.

Ưu tiên hàng đầu của UNDP sẽ là giai đoạn phục hồi sau chiến tranh kéo dài ba năm với mục đích cung cấp nơi trú ẩn tạm thời và các dịch vụ cơ bản cho người Palestine để có thể quay trở lại địa điểm nơi họ từng sinh sống.

Quân đội Israel đã tấn công Dải Gaza kể từ ngày 7/10/2023, trong một trong những cuộc oanh tạc trên không dữ dội nhất trong lịch sử hiện đại. Theo chính quyền Palestine, hơn 34.500 người đã thiệt mạng, nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn đã trở thành đống đổ nát và nạn đói hoành hành ở các khu vực phía Bắc Gaza trong bối cảnh Israel hạn chế nghiêm ngặt việc cung cấp thực phẩm và viện trợ nhân đạo.

Israel phát động cuộc tấn công sau khi Hamas dẫn đầu một cuộc tấn công chưa từng có vào khu vực miền Nam Israel, giết chết ít nhất 1.139 người, chủ yếu là dân thường, theo chính quyền Israel, và bắt khoảng 240 người.

Bên cạnh sự tàn phá, tình hình nhân đạo bên trong Gaza ngày càng xấu đi trong bối cảnh hạn chế về số lượng xe tải viện trợ được phép vào Dải Gaza. Các cơ quan của LHQ và các nhóm viện trợ đã kêu gọi Israel mở thêm nhiều tuyến đường bộ tới Gaza để tạo điều kiện tiếp cận viện trợ và cảnh báo về nạn đói. Israel phủ nhận việc hạn chế dòng viện trợ vào Gaza và thay vào đó đổ lỗi cho các nhóm viện trợ hoạt động ở Gaza.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 2/5 kêu gọi Israel nên hạn chế các cuộc tấn công vào các đoàn xe viện trợ đến Gaza sau khi những người biểu tình Israel tấn công hai xe tải viện trợ của Jordan trên đường tới Gaza.

Tiến Anh
.
.
.